Luật sư Trần Khánh Thương

Đã ly hôn có quyền chia tài sản không?

Pháp luật không bắt buộc khi ly hôn vợ chồng phải chia tài sản chung. Cho nên, dù đường ai nấy đi họ vẫn có quyền để lại tài sản chung là nhà đất cho người kia quản lý, sử dụng.

- Tư vấn: Sau khi ly hôn một bên vợ, chồng có quyền yêu cầu chia tài sản?

Câu hỏi tư vấn: Nhờ luật sư tư vấn giúp về trường hợp giành lại quyền nuôi con khi chồng cũ tái hôn như sau: Tôi kết hôn với chồng năm 2011. Năm 2015, chúng tôi thuận tình li hôn. Lúc li hôn không chia tài sản (tài sản chung tự thoả thuận). Tôi nuôi 2 con ( sinh năm 2012 và 2015). Tài sản chung lúc đó có một căn nhà chung lúc đó có một căn nhà chung, một xe SH do chồng kí tên, tiền khoản 172 triệu VNĐ. Thực tế chồng tôi quản lí xe SH và tiền, tôi quản lí nhà.

Nguồn gốc nhà: chồng đứng ra mua năm 20xx ( trước khi kết hôn) nhưng số tiền mua đất là 108 triệu VNĐ do chồng mượn của bác dâu của anh ấy. Sau đó hai vợ chồng cùng làm và trả nợ. Tiền đó do anh chồng làm ra nhiều hơn (theo tỉ lệ khoảng 7/3). Nhà xây trên đất đó tháng 2/20xx khoảng 400 triệu VNĐ. Tiền đó do hai vợ chồng tích cóp. Chồng nhiều hơn (6/4). Xe SH mua năm 2009 khoảng 8200 USD. Năm 201x tôi quản lí nhà và cho thuê để lấy tiền nuôi con. Chồng tôi cấp dưỡng hàng tháng như thoả thuận lúc li hôn nhưng không đủ. Tiền thuê nhà khoảng 6,5 triệu VNĐ/ tháng. Nhà có giá trị khoảng 3,5 tỉ VNĐ (4x18m).

Bây giờ chồng tôi muốn đòi lại nhà. Tôi muốn được hỗ trợ pháp lý. Thông tin liên quan:

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) được cấp ngày 16/7/2012 cả hai vợ chồng đều đứng tên sở hữu

2. Chồng tôi có thoả thuận cấp dưỡng một tháng 6 triệu VNĐ cho 2 con bắt đầu từ tháng 11/2013 cho đến khi con 18 tuổi. Hai bên thoả thuận nếu không cấp dưỡng thì anh phải bù thêm tiền lãi theo Nhà nước quy định

Trả lời câu hỏi tư vấn: Chào chị, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn. Dựa trên thông tin mà chị cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, quy định về tài sản chung vợ chồng

Căn cứ theo Luật Hôn nhân và gia đình về tài sản chung vợ chồng như sau:"Xem trích dẫn chi tiết"

Theo thông tin chị cung cấp, căn nhà hiện tại do anh chị cùng đứng tên sở hữu, khi ly hôn không yêu cầu chia tài sản. Mặc dù tự thỏa thuận nhưng vợ chồng chị chưa thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia tài sản theo quy định. Do vậy sau khi ly hôn, căn nhà trên vẫn là tài sản chung của anh chị và cả hai đều có quyền sở hữu căn nhà.

Thứ hai, về định đoạt tài sản chung

Anh và chị đều có quyền quản lý, khai thác tài sản chung, đồng thời cũng có quyền thoả thuận về người trực tiếp quản lý, khai thác tài sản đó. Việc định đoạt, phân chia tài sản chung được hướng dẫn tại Bộ luật dân sự như sau:

"Định đoạt tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

....

Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung

1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.

2. Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán."

Theo đó, hiện tại, việc chồng chị đòi lại toàn bộ căn nhà là không có cơ sở. Tuy nhiên, chồng chị có quyền yêu cầu chia tài sản chung theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia về vấn đề yêu cầu chia tài sản sau ly hôn. TRường hợp còn vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ với chung tôi qua email hoặc gọi điện để được tư vấn trực tuyến.

---

- Tư vấn về vấn chia tài sản và các vấn đề liên quan khi ly hôn

Câu hỏi: Chào Luật Sư! Tôi cần luật sư tư vấn hộ tôi về việc xác định tài sản riêng của tôi sau li hôn và cách thức chia tài sản chung sau li hôn.1. Tôi có bằng chứng là chồng tôi có mối quan hệ không trong sáng với người phụ nữ khác khi đi học ở nước ngoài, sau đó khi về nhà có hành vi bạo hành bạo lực gia đình, phá hoại tài sản gia đình, gây sức ép cho tôi để li hôn.

Tôi nuôi con chưa đến tuổi vị thành niên, chồng tôi đã về nhà cha mẹ chồng tôi ở, còn tôi và con tôi đang ở ngôi nhà chung. Chồng tôi là nguyên đơn trong vụ li hôn và vụ phân chia tài sản sau li hôn.

1. Tôi phải chứng minh với tòa án như thế nào để được chia phần hơn về tài sản chung, đảm bảo quyền lợi cho con tôi sau này vì thời gian sống chung tôi dạy thêm rất nhiều để mua nhà và đất còn chồng tôi không làm thêm, chỉ có lương nhà nước thôi ạ?

2. Khi tôi về nhà mới, cha mẹ, anh, chị em ruột tôi đã sắm sửa đồ dùng gia đình. cho tôi để trợ giúp tôi giảm bớt gánh nặng nội trợ và có cuộc sống thoải mái nhưng bây giờ chồng tôi lại yêu cầu chia hết tất cả những đồ vật đó trong gia đình. Tôi phải làm sao để hợp pháp giữ lại những đồ dùng gia đình đó cho con tôi tiện việc sinh hoạt hàng ngày sau này, thưa Luât Sư?

3. Chồng tôi là nguyên đơn yêu cầu phân chia tài sản sau li hôn thì tôi cò phải đóng án phí vụ phân chia tài sản này không? ( tôi không có tiền đóng vì tôi một mình nuôi con, chồng tôi không chịu cấp dưỡng). Tôi đã yêu cầu thỏa thuận nhưng chồng tôi vẫn kiện vậy tôi có quyền từ chối không đến tòa hoặc từ chối đóng phí hay không ạ?

4. Hiện nay vợ chồng tôi có nợ bà con khi mua nhà, vậy vợ chồng tôi sẽ trả nợ bằng cách nào khi nhờ tòa án phân chia xét xử ạ?

Tôi xin cảm ơn Luật sư dành thời gian quí báu để tư vấn, giúp đỡ tôi. Xin luật sư đừng đăng thư nhờ tư vấn của tôi lên mạng ạ. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn và mong sự hồi đáp sớm nhất từ Luật Sư.

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Thứ nhất: Xác định tài sản chung vợ chồng

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình thì Tài sản chung của vợ chồng được xác định như sau: "Xem trích dẫn quy định về tài sản chung"

Và sẽ được chia theo nguyên tắc sau: "Xem trích dẫn nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn"

Do đó, nếu muốn được chia phần nhiều hơn thì bạn phải chứng minh được mình đóng góp công sức nhiều hơn vào việc tạo lập khối tài sản chung theo quy định trên.

Về vấn đề vật dụng cá nhân theo nguyên tắc đó là tài sản thì vẫn phải chia. Tuy nhiên, nếu giá trị tài sản không lớn thì bạn có thể thỏa thuận với chồng mình để giữ nguyên vật dụng cho con cái sinh hoạt.

Thứ hai về nghĩa vụ nộp án phí

Nghĩa vụ tài sản bạn vẫn phải đóng án phí đối với phần tài sản mà mình được hưởng khi chia theo bài viết sau:

>> Nghĩa vụ nộp án phí trong vụ án ly hôn có tranh chấp về tài sản.

Về vấn đề cấp dưỡng nuôi con

Về việc cấp dưỡng khi nuôi con, đây là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chứ không phụ thuộc vào việc chồng bạn có muốn hay không trong trường hợp bạn là người được nuôi con. Bạn có thể tham khảo trong bài viết sau:

>> Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Về trách nhiệm liên đới trả nợ

Theo Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện:

Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”.

Theo đó, khoản nợ chung của 2 vợ chồng sẽ được chia thành khoản nợ riêng của cá nhân. Và có thể được trích từ tài sản được chia của 2 bên để trả nợ nếu có yêu cầu từ bên cho vay.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia về vấn đề chia tài sản và các vấn đề liên quan khi ly hôn. Trường hợp còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email hoặc gọi điện để được tư vấn trực tuyến.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo