Trần Phương Hà

Giành lại quyền nuôi con theo hôn nhân gia đình

Câu hỏi: Chào luật sư, cho tôi hỏi: Vợ chồng em trai chồng tôi đã ly hôn năm 2013. Toà án xử: mỗi người nuôi 1 đứa con. Cháu lớn hiện tại 7 tuổi ( do bố nuôi dưỡng), cháu bé do mẹ nuôi. Hiện tại, em trai chồng tôi không có thu nhập ổn định, lại hay rượu chè, bỏ bê con cái.

Việc chăm sóc cháu hiện nay chủ yếu do ông bà nội, mọi khoản đóng góp ở trường chủ yếu do mẹ cháu gửi về. Bố cháu không đồng ý cho mẹ nuôi, dù hiện tại không thể nuôi con, nhìn cháu rất tội nghiệp vì ông bà nội chỉ làm nông nghiệp, không có thu nhập ổn định. Tiền ăn uống của cháu hàng ngày cũng do mẹ cháu gửi tiền về. Vì vậy, mẹ của cháu có nguyện vọng đón cháu về nuôi để đảm bảo điều kiện tốt cho cháu. Mẹ cháu hiện mở quán karaoke, thu nhập khá tốt. Vậy, em dâu tôi cần phải làm những thủ tục gì để giành quyền nuôi con. Xin chân thành cảm ơn.​

Quy định về việc giành lại quyền nuôi con
Làm cách nào để giành lại quyền nuôi con? Hỏi ngay: 1900.6169

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Công ty trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, vì vậy trường hợp của em dâu bạn sẽ áp dụng theo Luật HN&GĐ 2014.

Luật HN&GĐ quy định về việc thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn như sau:

" Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Ở đây có thể nhận thấy điểm mới của Luật HN$GĐ 2014 so với Luật HN$GĐ năm 2000, đó là về quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi xem xét nguyện vọng của con. Luật năm 2000 quy định là khi con từ đủ 9 tuổi trở lên, còn Luật năm 2015 quy định độ tuổi này sớm hơn, đó là khi con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con nếu muốn thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.

Như vậy, để đưa ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ căn cứ vào 2 yếu tố:

Một là, người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Hai là, khi con đủ 7 tuổi trở lên thì phải căn cứ vào nguyện vọng của con.

Áp dụng vào trường hợp của em dâu bạn, nếu em dâu bạn muốn dành lại quyền nuôi con thì thứ nhất phải chứng minh được rằng bố cháu không đủ điều kiện để nuôi con (thu nhập không ổn định, hay rượu chè bỏ bê con). Thứ hai, đứa con đã đủ 7 tuổi tức là phải xem xét đến nguyện vọng của cháu, nếu cháu muốn ở với mẹ thì em dâu bạn có thể giành lại quyền nuôi con.

Về thủ tục thay đổi quyền nuôi con, hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn bao gồm:

- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;

- Bản án ly hôn;

- Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);

- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con;

Để thực hiện quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, em dâu bạn phải gửi hồ sơ tới Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bố đứa bé tức em chồng bạn cư trú.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo