Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về tài sản và con cái khi vợ chồng ly hôn

Câu hỏi: Chào Công ty luật Minh Gia, cho em một việc Vấn đề phân chia tài sản chung và tài sản riêng, quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn được quy định như thế nào? Nếu các bên không yêu cầu Tòa giải quyết mà tự thỏa thuận có được không? Chi tiết như sau:

Trước khi cưới em chồng em có quen một cô gái khác, sau đó mới quen và yêu em. Đám cưới xong 9 tháng sau em sinh con cuộc sống rất khổ cực, trước khi cưới em và sau này anh ta vẫn còn qua lại với người yêu cũ, em biết được qua tin nhắn điện thoại, anh ta rất hay đi quan hệ lăng nhăng bên ngoài.

Từ tháng 9 năm 2012 anh và cô người yêu cũ nói chuyện qua facebook cho tới tháng 05 năm 2013. Nội dung hai người nói chuyện là hẹn hò gặp gỡ và nói xấu em thậm tệ, anh ta nói là ngậm đắng nuốt cay khi chung sống với em, nếu không có con em thì anh ta không sống chung với em nữa.

Em rất là giận em muốn ly hôn nhưng vì lúc đám cưới xong anh ta có mua một miếng đất hơn 700m2, sau đám cưới còn dư 60 triệu đồng em để tiền đó mua đất, giá trị miếng đất là 300tr đồng, anh ta còn đào ao nuôi cá tra và điêu hồng giống tiền đào ao không có tiền trả khi bị người ta đòi nợ anh ta kêu em ra đối phó với chủ nợ, em đã khóc rất nhiều lần.

Anh ta đứng tên miếng đất đó mà không có tên em, do không đủ tiền mua đất anh ta định bán lại nhưng vì ba mẹ em thương em muốn mua đất đó cho em cất nhà ba mẹ em đã đưa 220tr để mua miếng đất đó, mua xong ba mẹ để lại giấy tờ cho em, em lúc đó vừa đi làm vừa giữ con nên không quản lý công việc mà chồng em làm, anh ta mở công ty mua bán thức ăn thủy sản, và anh ta đã thế chấp giấy tờ đất cho nhà máy, anh ta lấy thức ăn về và giao cho người này người kia để trừ nợ, số tiền nợ nhà máy là 300tr vào năm 2009, tính lãi cho đến thời điểm này là 550tr đồng, anh ta không trả số nợ này mà cứ để đó, nhà máy đó thì lại đòi tiền ba mẹ em vì hắn ủy quyền tài sản thế chấp đó qua tên của em, hắn bắt nợ nần đó em gánh, trong khi đó tên trong giấy vẫn chưa có tên em. Đất đó lại không bán được vì khi mua anh ta chỉ mua đất phía trong mà không mua phần ngoài mặt tiền, do là đất bãi bồi chưa có giấy đỏ, sau này nhà nước làm bờ kè giá đất lên nhưng vì nằm phía trong không có đường vào nên chưa bán được.

Bây giờ em muốn ly hôn mà sợ đất là anh ấy đứng tên mà tiền là của cha mẹ em, em sợ anh ấy lật lọng nên em không biết phải làm sao, mà tiếp tục chung sống thì rất khổ, ba mẹ em cũng lo lắng không ngủ được, em cảm thấy rất có lỗi với cha mẹ, kính mong luật sư tư vấn giúp em, em chân thành cám ơn!

>> Giải đáp vướng mắc về chia tài sản, quyền nuôi con khi ly hôn, liên hệ: 1900.6169

Trả lời: Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện giờ bạn muốn ly hôn nhưng còn đang băn khoăn về mảnh đất đứng tên chồng bạn vì sợ người chồng lật lọng, chiếm hết tất cả mảnh đất.

Để biết được người chồng có toàn quyền đối với mảnh đất này không, cần phải xác định đây là tài sản chung của cả hai vợ chồng hay là tài sản riêng của chồng bạn. Theo điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HN&GĐ) quy định tài sản được coi là tàn sản chung của vợ chồng nếu:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Quy định tại Điều 43 Luật HN&GĐ 2014 về tài sản riêng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Trong trường hợp của bạn, có thể hiểu trên thực tế mảnh đất chưa từng sang tên chuyển nhượng lại cho bố mẹ bạn, mà bố mẹ bạn đã dùng 220 triệu đồng để chuộc lại giấy tờ do chồng bạn làm ăn thua lỗ. Và hiện giờ trên thực tế mảnh đất vẫn chỉ đứng tên chồng bạn. Theo như trích dẫn điều 33 Luật HN&GĐ đã nêu ở trên, thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời theo như bạn trình bày thì số tiền mua mảnh đất này lúc đầu có sự đóng góp của cả hai vợ chồng, vậy nên bạn hoàn toàn có quyền sở hữu đối với mảnh đất này.

Còn về việc chồng bạn thế chấp mảnh đất rồi sau đó chủ nợ đến đòi nợ bố mẹ bạn: Như bạn trình bày thì việc chồng bạn “ủy quyền tài sản thế chấp” qua tên bạn là không cần thiết vì trên thực tế mảnh đất này thuộc quyền sở hữu của cả hai chứ không chỉ mình chồng bạn. Đồng thời mảnh đất trước sau vẫn đứng tên chồng bạn, không phải bố mẹ bạn thì việc thế chấp giấy tờ không có liên quan tới bố mẹ bạn. Chỉ có hai trường hợp bố mẹ bạn phải trả nợ thay:

- Bố mẹ bạn đứng ra bảo lãnh cho chồng bạn để kinh doanh;

- Theo điều 74 Luật HN&GĐ 2014 quy định về bồi thường thiệt hại do con gây ra như sau: “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.” Xét trên thực tế thì bố mẹ bạn sẽ không phải bồi thường theo trường hợp này.

Về Ly hôn:

- Về con chung: Điều 81 Luật HN&GĐ quy định việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Để giành được quyền nuôi con bạn phải chứng minh được mình có đủ khả năng tạo điều kiện tốt về tinh thần, vật chất, môi trường sống cho con. Người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi con đủ 18 tuổi. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con hợp lý. Việc cấp dưỡng do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án khi giải quyết ly hôn sẽ quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

- Về tài sản chung vợ chồng: khi ly hôn về nguyên tắc là chia đôi tài sản; nhưng Tòa án có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

>> Luật sư tư vấn quy định về tài sản vợ chồng, gọi: 1900.6169

- Tư vấn về chia tài sản chung khi vợ chồng ly hôn

Câu hỏi: Chào luật sư, Em và chồng lấy nhau được gần 11 năm. Trong quá trình chung sống có rất nhiều mâu thuẫn và những vấn đề này kéo dài không thể giải quyết được nên hai vợ chồng quyết định sẽ ly hôn. Về con cái thì hai vợ chồng thống nhất mỗi người nuôi một cháu.

Về tài sản thì em có vướng mắc một số thứ, rất cần sự hướng dẫn của luật sư. Trước khi kết hôn vài tháng thì chồng có thành lập công ty cổ phần cùng với ba má chồng. Vốn điều lệ ban đầu nghe nói là tầm 100 triệu. Tỷ lệ cổ phần của chồng là 45%. Đến hiện nay công ty đã phát triển và khối tài sản công ty lên đến tầm 6 tỷ. Như vậy tài sản của chồng trong công ty có được xem là tài sản phát sinh trong quá trình hôn nhân và được phân chia khi ly hôn không? Bên cạnh đó, vào năm 2010 hai vợ chồng có xây một căn nhà ba tầng trên đất do cha mẹ chồng đứng tên. Vậy giá trị xây dựng của căn nhà này có được chia đôi không? Em rất mong luật sư hướng dẫn. Em xin cảm ơn và chúc luật sư nhiều sức khỏe.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng (đã trích dẫn tại phần tư vấn trên đây)

Theo thông tin như trên, CTCP được thành lập trước khi anh chị kết hôn, là tài sản hình thành trước thời kì hôn nhân của chồng chị. Nếu trong thời kì hôn nhân, anh chị thực hiện việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung thì chị sẽ có quyền yêu cầu chồng chia tài sản. Tuy nhiên, đối với phần hoa lợi, lợi tức phát sinh từ hoạt động kinh doanh của CTCP trên, thuộc khối tài sản chung cuả vợ chồng, vậy nên chị chỉ có quyền yêu cầu phân chia số hoa lợi lợi tức trên.

Còn về căn nhà ba tầng được xây trên đất do cha mẹ chồng đứng tên, được xử lý như sau :

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng (đã được trích dẫn tại phần tư vấn trên đây)

Và tại Điều 61 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

"Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này."

Mặt khác, tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có quy định “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”

Hiện tại thì mảnh đất đó vẫn đứng tên bố mẹ chồng chị, vì vậy theo quy định trên thì bố mẹ chồng chị mới là chủ sử dụng hợp pháp của mảnh đất mà bố mẹ chồng chị đứng tên. Tuy nhiên thì căn nhà lại là tài sản của vợ chồng chị. Vậy nên khi ly hôn thì giá trị xây dựng căn nhà phải chia đôi theo Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình. Cụ thể:

"Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

...

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quy định về tài sản và con cái khi vợ chồng ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo