Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về tài sản riêng của vợ chồng

Hiện nay, nhiều cặp vợ, chồng không xác định được đâu là tài sản riêng, đâu là tài sản chung của vợ, chồng. Đây là vấn đề quan trọng trong trường hợp hai vợ chồng xảy ra tranh chấp về tài sản hoặc xác định nghĩa vụ của vợ, chồng với người thứ ba. Dưới đây là một số nội dung mà Luật Minh Gia đưa ra, bạn có thể tham khảo:

1. Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ chồng

Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình (LHN&GĐ) 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2.Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này

Như vậy, không phải cứ kết hôn, mọi tài sản đều là tài sản chung của vợ chồng. Pháp luật vẫn cho phép vợ chồng có tài sản riêng để đảm bảo nhu cầu và lợi ích của mỗi bên vợ chồng. Tài sản riêng là tài sản vợ chồng có trước khi kết hôn hoặc được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản được chia riêng cho vợ. Đồng thời, tài sản riêng là tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng.

Ví dụ: Người vợ dùng tiền và tài sản riêng của mình để mua đất trong thời kì hôn nhân. Do đó, quyền sử dụng đối với mảnh đất đó là tài sản riêng của vợ.

Mặt khác, quy định trên có nêu ra rằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kì hôn nhân có thể là tài sản riêng trong trường hợp thỏa thuận, hoặc đã được phân chia trong thời kì hôn nhân theo quy định pháp luật. Vốn dĩ, theo nguyên tắc, tài sản sản là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung của vợ chồng. Nhưng pháp luật dân sự tôn trọng thỏa thuận của bên, do đó, vẫn có trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kì hôn nhân là tài sản riêng.

Ví dụ: Người chồng có số tiền tiết kiệm là tài sản riêng. Khoản tiền lãi từ khoản tiết kiệm đó có thể vẫn là tài sản riêng của người chồng nếu hai vợ chồng có thỏa thuận về vấn đề này.

2. Quyền của vợ, chồng đối với tài sản riêng

Điều 44 LHN&GĐ quy định về quyền của vợ, chồng về tài sản riêng như sau:

“1/ Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

2/ Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

3/ Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

4/ Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.”

Vợ chồng có quyền có tài sản riêng, do đó, pháp luật cũng có quy định họ có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản riêng của mình; vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung. Tuy nhiên, gia đình luôn dựa trên sự gắn kết, vợ chồng và con cái luôn có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Do đó, pháp luật quy định không phải lúc nào người có tài sản riêng cũng có toàn quyền định đoạt tài sản đó. Trong trường hợp vợ chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt phải có sự đồng ý của người kia.

Ví dụ: Người chồng có một mảnh đất để làm trang trại và trồng cây trên đó. Cuộc sống của hai vợ chồng đều dựa vào tiền từ thu nhập từ cây trồng và vật nuôi trên đó. Nếu trong trường hợp người chồng muốn bán mảnh đất và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất đi buộc phải có sự đồng ý của người vợ.

3. Nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ, chồng

Điều 46 LHN&GĐ quy định về nh hập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung như sau:

“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Theo đó, có thể hiểu trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng nhưng trong thời kỳ hôn nhân muốn nhập tài sản riêng này vào với tài sản chung thì vẫn có căn cứ để thực hiện. Việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Sau khi nhập tài sản chung vào tài sản riêng, các nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng thì được thực hiện bằng tài sản chung.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung phải đảm bảo hình thức nhất định theo các quy định pháp luật liên quan đối với giao dịch về tài sản đó đặc biệt là đối với tài sản là bất động sản, động sản phải đăng kí sở hữu (ô tô, xe máy,…)

Ví dụ: Người chồng có quyền sử dụng đất do mình người chồng đứng tên, được mua trước khi kết hôn. Sau đó, hai vợ chồng thỏa thuận quyền sử dụng đất này là tài sản chung thì tài sản là quyền sử dụng đất này sau khi thỏa thuận nhập vào tài sản chung sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Lúc này người chồng không được quyền tự định đoạt đối với tài sản. Nhưng, thỏa thuận nhập tài sản này chỉ có giá trị pháp lý khi được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo