Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Phân chia tài sản chung khi sống chung nhưng không đăng ký kết hôn

Câu hỏi: Chào quí công ty, hôm nay tôi có câu hỏi mong quí công ty trả lời giúp tôi về việc phân chia tài sản khi chung sống như vợ chồng với người khác như sau: Bố tôi vào miền Tây và có chung sống với một người khác nhưng không đăng ký kết hôn. Nay bố tôi muốn ly hôn với người đó thì tài sản của hai người giải quyết như thế nào? Cụ thể:

Bố mẹ tôi ly thân từ năm 1990, năm 1991 bố tôi vào Tây nguyên làm ăn và có cưới thêm một người nhưng không đăng ký kết hôn được vì chưa ly hôn với mẹ của tôi. về con cái thì Bố tôi có với mẹ tôi 2 người con và có với người đang chung sống 2 người con. Nay vì không thể chung sống với nhau được nữa nên Bố tôi và người kia quyết định ly hôn. Vậy bây giờ tài sản của 2 người sẽ chia như thế nào cho Bố tôi và người kia và cho các con ( chúng tôi đều đã trưởng thành hết rồi). Mong quí công ty tư vấn giúp tôi. Tôi xin cám ơn.

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:

Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Trong trường hợp này nếu bố bạn và người vợ hai không chung sống với nhau nữa thì vấn đề tài sản sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên nếu không thể tự giải quyết thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Chia tài sản thuộc sở hữu chung như sau:

“1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Bố bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia những tài sản được hình thành từ khi hai người chung sống với nhau. Về nguyên tắc khi giải quyết tài sản với trường hợp chung sống nhưng không đăng ký kết hôn thì tài sản của ai sẽ thuộc về sở hữu của người đó, với phần tài sản chung thì sẽ được chia đôi dựa trên công sức đóng góp của các bên, đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ nuôi con nhỏ…. Nếu phần tài sản chung là tài sản không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Khi giải quyết phân chia tài sản trong trường hợp này Tòa án chỉ giải quyết phân chia tài sản đối với vợ, chồng mà không tiến hành phân chia phần tài sản đó cho các con trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận phân chia.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo