LS Hoài My

Ông bà nội có quyền được nuôi cháu không?

Luật sư cho hỏi thắc mắc về việc Ông bà có quyền nuôi cháu nội khi bố mẹ cháu ly hôn như sau: Tôi ở ND. Tôi có người em trai nhà Dì lấy vợ trong Nghệ an, năm 30 tuổi em tôi bị bệnh và mất khi đó cháu bé mới được 7 tháng tuổi. Hiện giờ cháu đã được 5 tuổi rồi, nhà Dì tôi cũng bảo em dâu là: Nếu muốn lấy chồng thì bố mẹ sẽ gả con đi như gả con gái, còn thằng bé nếu không nuôi được thì để nhà Dì tôi nuôi rồi thi thoảng về thăm con.

Nhưng cách đây 1 tháng, người em dâu của tôi đã đưa cháu bé trốn về quê để đi lấy chồng. Nói là trốn vì em dâu tôi đi không nói cho ai biết hết cũng thay số điện thoại và muốn cắt đứt liên lạc với gia đình nhà Dì tôi, em dâu chỉ gọi điện cho người hàng xóm nói lại với gia đình nhà Dì tôi thôi. Bữa trước gia đình nhà Dì tôi có vào trong Nghệ an thăm cháu nhưng Mẹ cháu và ông bà ngoại toàn dạy cháu những điều không tốt. Ngày xưa, Dì tôi có mua cho em trai tôi một mảnh đất để sau này em trai tôi lấy vợ thì để cho em làm nhà ở nhưng chẳng may em tôi mất đi nên gia đình bảo đất đó để giành cho cháu sau này cháu lớn thì tùy cháu sử dụng. Khi em dâu tôi bế thằng bé ra đi gia đình nhà Dì tôi rất đau khổ, Dì tôi vì thương nhớ cháu mà đã ốm.

Cách đây mấy ngày nhà Dì tôi có gọi điện cho cháu thì cháu bảo: Ông bà cướp hết tài sản của bố cháu, hỏi ai dạy thế thì thằng bé bảo mẹ dạy nói thế, em dâu tôi đã đi lấy chồng và muốn lấy mảnh đất đó. Em dâu tôi còn không cho thằng bé liên lạc với gia đình nhà Dì tôi mặc dù cháu nhớ nhà và cứ đòi về.

Vậy cho tôi hỏi luật sư: Em dâu tôi đã đi lấy chồng, còn thằng bé thì để lại cho ông bà ngoại nuôi. Gia đình nhà Dì tôi muốn đưa thằng bé về nuôi thì có được hay không?

Xin chân thành sự lắng nghe của Luật sư và mong Luật sư giúp tôi về câu hỏi này. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:

“1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên như sau:

“1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì cháu bé hiện nay 5 tuổi nên căn cứ vào các quy định trên thì cha mẹ là người có quyền chăm sóc, nuỗi dưỡng con. Do cha cháu bé đã chết nên người mẹ sẽ là người nuôi con. Mẹ cháu bé không được quyền nuôi con nếu như mẹ cháu bé bị hạn chế quyền của cha mẹ.

Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Như vậy, Gì của bạn chỉ được quyền nuôi cháu bé khi mẹ cháu bé không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con hoặc mẹ cháu bé có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo