Cà Thị Phương

Ông bà ngoại muốn giành quyền nuôi cháu thì làm như thế nào

Luật sư tư vấn trường hợp ông bà ngoại muốn giành quyền nuôi con khi vợ chồng con gái ly hôn. Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính gửi công ty luật minh gia Tôi là bà ngoại của bé hơn 3 tuổi khi con gái tôi kết hôn đứa con trong bụng không phải là con của chồng nó bây giờ nhưng chỉ có nó chồng nó và ông bà nội nó biết, còn gia đình tôi thì k biết gì hết,sau khi kết hôn cuộc sống của hai vợ chồng cơm không lành canh không ngọt hai vợ chồng thường xuyên bỏ bê con cái không quan tâm, sau đó còn xảy ra đánh nhau làm người vợ phải nhập viện và phải mất đi cái thai thứ hai trong bụng sau đó rất nhiều lần xảy ra xung đột. Thời gian gần đây xảy ra đánh nhau và người vợ đã bỏ đi nay không biết đi đâu không quay trở về, cháu vẫn ở cùng ông bà nội và người bố không huyết thống tôi vẫn thường xuyên ra thăm cháu và quan tâm tới cháu, con gái tôi trong quá trình ở với chồng đã có nhiều lần đề nghị ly hôn nhưng gia đình nhà chồng không đồng ý. Hiện nay gia đình ông bà nội và bố của cháu đã chuyển vào nam cắt liên lạc với gia đình tôi làm tôi không biết gì về tin tức của cháu cả,gia đình tôi rất lo lắng,hiện tại mẹ cháu bây giờ ở đâu chúng tôi cũng không biết,và cháu ngoại của tôi ở đâu cũng không biết vậy kính mong luật sư tư vấn giúp chúng tôi xem có cách nào giải quyết tốt không. Bức thư trên tôi đã gửi cách đây hơn 4 tháng bây giờ hiên tại cháu tôi đã gần 4 tuổi rồi mà vẫn không biết cháu ra sao,tôi rất là lo lắng, tôi đã đọc thư trả lời của luật sư rồi nhưng hiện tại bây giờ gia đình nhà bên đấy không hợp tác không gặp thì tôi làm sao mà xét nghiệm AND được.Vậy để làm được những thủ tục như vây tôi phải làm từ đâu và làm như thế nào, hoặc cứ khởi kiện ra tòa sau đó mới yêu cầu xét nghiệm AND có được không?


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:


Trường hợp cháu bạn được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của con gái bác và chồng cô ấy. Mà theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:


“Điều 88. Xác định cha, mẹ
 

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
 

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
 

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
 

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.


Do đó, cháu của bác được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của con gái bác và chồng cô ấy nên về mặt phát luật cháu của bác sẽ được thừa nhận là con chung của cô ấy và chồng cô ấy. Việc anh ấy không phải là cha của cháu bé về mặt sinh học không ảnh hưởng đến việc xác nhận cha con về mặt pháp luật, đồng thời chồng của cô ấy vẫn thừa nhận cháu bé là con của anh ấy. Do vậy, người chồng của chị ấy có quyền được nuôi coi theo quy định của pháp luật. 


Đồng thời, theo quy định tại Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con thì:
 

“Điều 102. Người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con


1. Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này.


2. Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này.


3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này:
 

a) Cha, mẹ, con, người giám hộ;

...”

Trường hợp có tranh chấp về xác định cha, mẹ, con thì người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con bao gồm những người được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 của điều này. Cụ thể trường hợp này bác chỉ có quyền yêu cầu xác nhận người chồng của con gái bác không phải là cha của đứa bé trong trường hợp bác phải là người giám hộ của cháu bé. Hiện tại bé mới bốn tuổi tuy nhiên bé vẫn còn cả cha và mẹ về mặt pháp luật và cha, mẹ bé đều có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hai người đều không bị hạn chế về năng lực hành vi, không bị Tòa án yêu cầu về hạn chế nuôi con do vậy bé không phải là đối tượng được giám hộ. Vì vậy, trong trường hợp bác không phải là người giám hộ mà muốn giành được quyền nuôi cháu thì bác cần sự phối hợp của gia đình chồng của con gái bác (cụ thể là chồng cô ấy) yêu cầu Tòa án xác nhận cháu bé không phải con của anh ấy thông qua việc xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, hiện nay gia đình nhà chồng của cô ấy đã di chuyển vào Nam và cắt đứt liên lạc với bác và không có ý định hợp tác với bác để bác nuôi cháu bé, do vậy bác không thể giành quyền nuôi cháu được. Trường hợp này, trừ khi con gái bác có yêu cầu đơn phương ly hôn và yêu cầu được nuôi con đồng thời xác nhận cháu bé không phải con của chồng cô ấy thì Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu của con gái bác thì cô ấy sẽ có khả năng được nuôi con. 


Do vậy, bác không thể kiện ra Tòa để giành quyền nuôi cháu được vì thực bác không phải là chủ thể có quyền yêu cầu xác nhận chồng của con gái bác không phải là cha của cháu ngoại bác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bác hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bác vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo