LS Vy Huyền

Những yếu tố quyết định đến quyền nuôi con trong ly hôn

Đối với mỗi bậc cha, mẹ, con cái luôn là tài sản vô giá. Do đó, khi ly hôn, ai cũng muốn là người trực tiếp nuôi dưỡng con nên không có nhiều những trường hợp vợ, chồng thỏa thuận được với nhau về vấn đề này mà thường sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có yêu cầu, Tòa án sẽ căn cứ vào những yếu tố theo quy định pháp luật đề quyết định ai có quyền trực tiếp nuôi con. Bài viết dưới đây là một số nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về "Những yếu tố quyết định đến quyền nuôi con trong ly hôn".

Nội dung cần tư vấn:
Chào luật sư cho tôi hỏi. Tôi và chồng tôi đang chuẩn bị làm đơn ly hôn.Tôi muốn giành quyền nuôi con nhưng anh không đồng ý. Ngược lại anh còn đòi nuôi con với tư cách làm ba của đứa bé. Nhưng tôi không đồng ý, vì từ lúc cưới nhau được 9 tháng thì a bỏ mặc tôi về quê sinh sống và làm việc. Bắt đầu từ đó vợ chồng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn, nhưng sau đó tôi lại có thai tới khi sanh cháu anh cũng không thăm nom. Một hai tháng anh mới lên thăm cháu được 1 lần. Anh không hề cấp dưỡng từ khi tôi sanh cháu. Tới bây giờ con tôi đã 12 tháng tuổi. Tôi sẽ đơn phương nộp đơn xin ly hôn và muốn giành quyền nuôi con thì tôi phải làm thế nào? xin cảm ơn luật sư.

Công ty Luật Minh Gia xin tư vấn cho bạn như sau:

Theo nội dung trình bày của bạn thì bạn muốn đơn phương xin ly hôn và giành quyền nuôi con.

Thứ nhất, về thủ tục đơn phương ly hôn, bạn có thể tham khảo bài viêt sau: Thủ tục đơn phương ly hôn.

Thứ hai, về vấn đề giành quyền nuôi con, nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án sẽ đứng ra xem xét để xác định quyền nuôi con, dựa trên các yếu tố cần thiết đảm bảo cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yếu tố sau:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).

Bên cạnh đó, Điều 81 Khoản 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.” Đây là căn cứ pháp lý lớn nhất bạn có để bảo vệ quyền nuôi con của mình. Do vậy, nếu bạn có đủ điều kiện chăm lo cho con mình về cả mặt vật chất lẫn tinh thần, bạn sẽ đương nhiên được quyền nuôi cháu bé.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo