Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Những cơ sở làm căn cứ giải quyết quyền nuôi con của Tòa án

Luật sư cho tôi hỏi về cơ sở làm căn cứ giải quyết quyền nuôi con của Tòa án? Khi nào thì con được giao cho người mẹ nuôi, Cụ thể: Tôi và chồng đã kết hơn được 4 năm và có con nhỏ trên 3 tuổi, vợ chồng tôi đã có nhiều mâu thuẫn, rạn nứt, không thể tiếp tục cuộc hôn nhân. Tôi muốn gửi đơn ra tòa nhưng còn chưa dứt điểm với nhau trong vấn đề nuôi con.

Nếu trong hoàn cảnh của tôi thì theo Luật sư, tòa sẽ giao ai nuôi con, xin LS cho tôi biết để tôi có quyết định đúng đắn nhất vì hiện tại đứa con là nguồn sống của tôi, tôi không thể mất con. Tôi là cán bộ Nhà nước, lương 4 triệu, cha mẹ đều có lương hưu, nhà ở phố, gần các trường học có chất lượng, cha mẹ tôi lại ít cháu. Tuy nhiên do đặc điểm công tác nên tôi thường xuyên đi công tác (trong tỉnh), và phải tiếp khách nên đôi lúc về nhà có hơi men, đôi khi con cái ngoài giờ đi mẫu giáo thì tôi phải nhờ chồng tôi đón về, bà nội, ba ngoại cho ăn uống. Tuy nhiên tôi cũng là người lo học phí, những  nhu yếu phẩm hàng ngày cho con tôi. Còn chồng tôi là giáo viên ở một trường trung cấp nghề, lương 3 triệu/1 tháng, ngoài ra chồng tôi còn đi làm thêm bên ngoài, cha mẹ chồng già yếu, cha mất khả năng lao động, mẹ không có lương hưu, chồng tôi là con trai một nên phải nuôi cha mẹ, chị gái đã lấy chồng, em gái thì nghề nghiệp không ổn định,  tôi và chồng hiện tại đang sống ở nhà chồng ở quê (cách trung tâm thành phố khoảng 7 km). Trong những lần tranh cãi thì chồng tôi có nghi ngờ tôi ngoại tình (vì tôi hay đi về muộn), rồi cho rằng tôi sống phụ thuộc gia đình ngoại nên khả năng làm  mẹ bị hạn chế, không chăm lo được gì cho con, rồi lại nói tôi lười biếng, không có trách nhiệm với gia đình...(cái này là do chủ quan của ông chồng). Vậy thì trên cơ sở hoàn cảnh gia đình tôi, gia đình chồng và lời khai của chồng tôi trước tòa như vậy thì liệu tôi có được quyền chăm con không? Quy định thế nào?

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Sau đây, chúng tôi xin tư vấn yêu cầu của chị như sau:

 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và như chị trình bày con của anh chị đã trên 3 tuổi.  Nếu vợ, chồng không thỏa thuận được người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn mà hai bên đều tranh chấp người trực tiếp nuôi con thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét các điều kiện của mỗi bên để xác định chính xác người có khả năng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho con.

 

Các điều kiện không được hướng dẫn cụ thể, nhưng qua thực tế xét xử thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét các điều kiện sau:

 

+ Thu nhập hàng tháng ( Có đảm bảo để nuôi cháu hay không?)

 

+ Chỗ ở ổn định ( Có đảm bảo để cháu có chỗ ở lâu dài hay không?)

 

+ Môi trường sống ( Có đảm bảo cho sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của cháu hay không?)

 

+ Thời gian làm việc ( Bạn có thời gian để chăm sóc cháu hay không?)

 

+ Sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ giành cho con.

 

+ Hành vi của cha mẹ ( Có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và sự phát triển của trẻ).

 

Xét về điều kiện giữa chị và chồng của chị mà chị trình bày phía trên, kết hợp với các điều kiện chúng tôi đã nêu thì quyền trực tiếp nuôi con chưa chắc chắn thuộc về ai. Chúng tôi chỉ tư vấn các điều kiện để được trực tiếp nuôi con, còn quyền quyết định do Hội đồng xét xử.

 

Phương án tốt nhất là chị và chồng thỏa thuận được với nhau, theo nguyện vọng của chị. Hoặc nếu không, chị có thể đề đạt nguyện vọng tại phiên tòa hoặc tại buổi hòa giải để Hội đồng xét xử xem xét.

 

Lưu ý: Ly hôn tại Tòa án là phương thức giải quyết cuối cùng cho mỗi bên. Anh và chị chỉ nên sử dụng phương án này nếu tình trạng hôn nhân không đạt được kết quả, tình trạng giữa hai bên tồi tệ tới mức không sống chung được với nhau.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo