Hoài Nam

Nhờ trợ giúp pháp lý về hôn nhân gia đình

Hôm nay, tôi viết mail này mong nhận được sự giúp đỡ của công ty luật Minh Gia. Tôi xin tóm tắt sự việc như sau: Ba tôi quan hệ bất chính với người phụ nữ khác, khi mẹ tôi phát hiện bắt quả tang tại chỗ nhưng sau đó ba tôi không biết hối cải mà còn về nhà đánh đập mẹ tôi. Do không chịu được nên mẹ tôi bỏ nhà đi ra ngoài làm thuê cho người khác. Ở nhà chỉ còn ba tôi, chị gái tôi, tôi và con của chị tôi ở. Tính tới thời điểm này mẹ tôi đã sống li thân 2 năm nay.

Mới đây ba tôi có làm hồ sơ vay tiền ngân hàng thế chấp bằng sổ đỏ nhà có đứng tên ba tôi và mẹ tôi. Do quen biết chạy chọt sao mà toàn bộ hồ sơ vay đều được ba tôi mang về và bắt tôi ký giả chữ ký của mẹ tôi. Tôi năm nay đã đủ tuổi vị thành niên, tôi hoàn toàn biết việc làm này là sai quy định của pháp luật. Ban đầu tôi không ký nhưng ba tôi bắt buộc tôi phải ký, ông nói có gì ông chịu trách nhiệm chứ không liên quan gì đến tôi. Đồng thời lúc đó tôi không có việc làm và sống chung trong nhà, nếu tôi không ký sẽ bị ba tôi đánh và đuổi khỏi nhà. Vì vậy tôi đã ký.

Tuy nhiên sau đó tôi đã nói cho mẹ tôi biết. Hiện tại mẹ tôi đang nộp đơn ra tòa li dị, nên mẹ tôi đã kiện lên hội sở chính của ngân hàng nơi ba tôi vay tiền. Phía bên ngân hàng đã làm việc với tôi và mẹ tôi, tôi và mẹ đã trình bày tất cả sự việc cho nhân viên điều tra trong hội sở chính. Hiện tại vụ việc đang được điều tra, xử lí.

Tôi muốn hỏi công ty luật trong trường hợp này, tôi và những người liên quan sẽ bị xử lý như thế nào? Sự việc sẽ được xử lý ra sao? Khi ly hôn mẹ tôi muốn chia tài sản là căn nhà. Vậy sổ đỏ nhà mẹ tôi có nhận được không?

Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Điều 132 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định như sau:

 

"Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa


Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình."

 

Theo quy định này, khi một giao dịch dân sự mà cụ thể ở đây là giao dịch thế chấp tài sản giữa ba bạn và ngân hàng có dấu hiệu bị lừa dối, thì theo yêu cầu của một bên tham gia giao dịch, Tòa án có thể tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Về hậu quả pháp lý khi một giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu, Điều 137 BLDS 2005 quy định:

 

"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.


2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường."

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu giao dịch giữa ba của bạn và ngân hàng bị tuyên vô hiệu thì các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, tức là ba bạn phải trả lại số tiền đã vay và phải bồi thường nếu có thiệt hại, còn bên ngân hàng sẽ trả lại sổ đỏ cho gia đình bạn.

 

Trong trường hợp ba mẹ bạn ly hôn, nếu căn nhà được xác định là tài sản chung thì sẽ được chia trên cơ sở các quy định tại Điều 59 và Điều 62 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo