Đinh Ngọc Huyền

Nghĩa vụ trả nợ khoản vay trước khi kết hôn

Tôi muốn hỏi về việc vay nợ trước khi kết hôn nghĩa vụ trả nợ của vợ, chồng thế nào, cụ thể: lúc trước khi cưới tôi thì chồng tôi có mượn của người ta tiền, cưới tôi về họ lại đòi nhưng tôi không chấp nhận trả vì nghĩ rằng tài sản chung của cả 2, tôi không liên quan gì đến món nợ đó, tiền chung của vợ chồng tôi đang giữ, nếu tôi quyết không chi trả khoảng nợ đó thì có được không? Tôi xin cảm ơn.

1. Tư vấn: Vay nợ trước khi kết hôn nghĩa vụ trả nợ thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại điều 37 luật HN&GĐ về nghĩa vụ chung tài sản của vợ chồng thì các nghĩa vụ sau đây sẽ dùng tài sản chung của cả hai để giải quyết:

"1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan".

Như vậy, tài sản chung của vợ chồng được dùng để thực hiện những nghĩa vụ nêu trên. Theo như bạn trình bày, khoản nợ chồng bạn vay người khác được xác lập trước khi hai bạn kết hôn, do đó nếu tài sản vay nợ đó không nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bạn không phải chịu trách nhiệm với số tiền này.

2. ​Vợ vay nợ trước hôn nhân, chồng có phải trả nợ không?

Câu hỏi:

Chào luật sư! Xin luật sư tư vấn cho tôi trường hợp sau: Tôi năm nay 28 tuổi, đã có chồng và con nhỏ 21 tháng tuổi. Từ trước khi lấy chồng, tôi có vay của  người bạn 1 số tiền với lãi suất cao (7.000đồng/triệu/ngày). Do không trả lãi đều nên người đó cộng dồn cả lãi vào gốc và tiếp tục tính lãi. Đến khi số tiền lên đến 269.000.000 đồng thì người đó có đưa đơn kiện tôi ra tòa.

Khi tòa giải quyết, do không có bằng chứng đã đóng tiền lãi hàng tháng nên tôi thua kiện, buộc phải trả số tiền cả gốc và lãi là 282.000.000 đồng + tiền án phí là 14.150.000 đồng. Do tiền này tôi không đưa về cho gia đình, chồng tôi cũng không biết. Khi tòa xử án có mặt của chồng tôi ở đó. Vậy luật sư cho tôi hỏi:

- Thứ nhất: Hiện nay, bản thân tôi đang nuôi con nhỏ, tôi chưa đóng được tiền án phí dân sự khi thi hành án yêu cầu thì tôi có bị xử lý không? (vì đây là tiền nhà nước)

- Thứ 2: Nếu giờ tôi chết, chồng tôi có phải chịu trách nhiệm trả số nợ là 282.000.000 đồng không? (Hiện tại, tôi là công chức nhà nước và không có tài sản gì đứng tên mình) Rất mong sớm nhận được câu trả lời từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về khoản án phí phải thi hành án đối với bản án vay nợ

Chị là người phải thi hành án, chị có quyền như sau:Theo Luật Thi hành án dân sự: 

Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án.

Trước hết, Với khoản án phí trên, chị sẽ có 10 ngày để tự nguyện thi hành án, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa Án.

"Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án."

Hết thời hạn trên, chị chưa hoàn thành tiền án phí được thì sẽ được Chấp hành viên xét điều kiện thi hành án, khi xét điều kiện, chị có thể sẽ được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản án phí này:

Theo Luật Thi hành án sửa đổi 2014:

"Điều 61. Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;

b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng."

Trong trường hợp của chị, chị đang là công chức, không có tài sản thì có thể được miễn, giảm tiền án phí này sau khi được xét điều kiện thi hành án, nếu điều kiện gia đình khó khăn, chị không có tài sản, được UBND xã chứng thực về hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện bản thân không thể thi hành án thì có thể được miễn nộp một phần tiền án phí. hoặc với giá trị khoản thu nộp ngân sách trên 10 triệu đồng, chị cũng có thể được xét nộp một phần khoản thu đó thôi. Nên chị yên tâm nếu bản thân không đủ điều kiện để nộp tiền án phí thì có thể được xét miễn, giảm tiền án phí.

Thứ hai, về khoản nợ chị phải thi hành án đối với chủ nợ

Trước hết, chúng tôi xác định tư cách của tài sản này:

Theo Luật Hôn nhân gia đình quy định về Tài sản chung của vợ chồng như sau:

"Xem trích dẫn quy định về tài sản chung"

Đối với khoản nợ trên, chị thực hiện trước thời kỳ hôn nhân, mà không có sự thỏa thuận với chồng về việc sử dụng khoản nợ vào mục đích tạo dựng kinh tế chung của vợ chồng, chồng chị không hề biết thì nghĩa vụ trên khoản nợ này sẽ được xác nhận chỉ của riêng chị.

Tuy nhiên, trong quá trình hôn nhân, chị vẫn chưa chấm dứt quan hệ vay tài sản này, mà số nợ đó chị sử dụng vào mục đích tạo dựng kinh tế, chăm lo cho gia đình, sử dụng vào mục đích liên quan đến quyền, lợi ích của gia đình, thì nghĩa vụ trả nợ này cũng được xác lập với chồng chị. Và về cơ bản, tài sản riêng mặc dù chị chưa nói rõ, nhưng để trả nợ này, thì ngoài việc chị lấy tài sản của riêng chị, chị cũng có thể dùng tài sản chung của vợ chồng để trả nợ, nếu khoản tài sản riêng chưa thể trả hết nợ.

Do đó, chồng chị vẫn được xác định là người có nghĩa vụ liên quan với quan hệ vợ chồng và chồng chị vẫn phải có trách nhiệm giúp chị thanh toán khoản nợ trên.

Với khoản nợ này, chị có quyền thỏa thuận với chủ nợ về việc thi hành án, có thể thỏa thuận về thời gian trả nợ, số tiền trả cho một lần, trường hợp chị không thể đáp ứng được yêu cầu về trả nợ của họ, có thể yêu cầu Tòa án xác định điều kiện thi hành án, để đảm bảo thời hạn hợp lý cho chị có thể thi hành án.

Khi xác định đến điều kiện thi hành án, thì Chấp hành viên sẽ căn cứ vào hoàn cảnh chung của gia đình chị, mặc dù chị không có tài sản riêng, nhưng họ vẫn xác định trên tài sản chung của gia đình để làm căn cứ xác định điều kiện cho giảm, miễn thi hành án.

Tóm lại, chị hãy yên tâm về việc phải nộp tiền án phí, trường hợp của chị có thể được xét giảm tiền án phí, đối với khoản nợ, chồng chị có trách nhiệm trả nợ cùng với chị còn tùy thuộc vào mục đích vay và sử dụng tiền vay nợ của chị.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo