Luật sư Đào Quang Vinh

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái

Tôi có cô em gái lấy chồng sinh được 3 cháu, sau đó chồng đi lao động nước ngoài không gửi tiền về lo cho con cái mà có quan hệ với một phụ nữ khác đã có thai, hai người đều biết nhau đã có gia đình và bây giờ có thai với chồng em gái tôi nên bên nước họ đuổi về nhưng hai người vẫn ở với nhau mà không lo cho 3 con chung. Vậy người phụ nữ kia và chồng em tôi có vi phạm luật không? Quy định ở đâu?

Trả lời, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

 

Việc người phụ nữ kia chung sống với chồng của em gái chị là người đang có vợ, có chồng như vợ chồng đã xâm phạm chế độ hôn nhân 1 vợ, 1 chồng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014: cấm:

 
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. 

Hơn nữa việc chồng của em gái chị không gửi tiền để lo cho con hàng tháng còn vi phạm vào nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con cái được quy đinh tại các Điều 69,71,72 như sau:

 

"Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
 

Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
 

Điều 72. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

2. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.

3. Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được."

Với những hành vi vi phạm của em rể chị cùng người phụ nữ kia, em gái chị có thể trình báo với cơ quan công an xã, phường, thị trấn nơi chồng chị hiện đang sinh sống về sự việc nêu trên để xử phạt hành chính về hành vi của họ. Ngoài ra em chị cũng có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng chị hiện đang sinh sống hủy việc chung sống với nhau như vợ chồng giữa em rể chị và người phụ nữ kia.

Trong trường hợp hai người họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi chung sống với nhau như vợ chồng nêu trên hoặc đã có quyết định hủy việc chung sống với nhau như vợ chồng của Tòa án mà vẫn tiếp tục thì em gái chị có thể tố cáo với cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 147 Bộ luật hình sự:


“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo