LS Vũ Thảo

Nam nữ sống chung không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật?

Nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không? Việc khai báo tạm trú trong trường hợp này có bắt buộc phải có giấy đăng ký kết hôn không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này thông qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Hôn nhân và gia đình

Xã hội ngày càng phát triển khiến cho các quan niệm về hôn nhân – gia đình ngày càng cởi mở hơn. Theo đó, kéo theo tình trạng chung sống với nhau như vợ chồng (sống thử) trước khi hai bên nam, nữ tiến đến quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện tại. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Việc hai bên nam, nữ độc thân chung sống với nhau như vợ, chồng không phải là hành vi vi phạm pháp luật nếu hai bên không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Tuy nhiên, hệ quả pháp lý của việc chung sống với nhau như vợ chồng tác động đến hai bên nam, nữ là không hề nhỏ, điển hình có thể kể đến các hệ quả như tranh chấp về tài sản chung, về con chung trong thời kỳ chung sống.

Do đó, nếu bạn đang gặp phải những vấn đề vướng mắc liên quan đến việc chung sống với nhau như vợ chồng thì bạn cần phải tìm hiểu các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến việc chung sống như vợ chồng, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn trường hợp nam nữ chung sống không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?

Câu hỏi: Kính gửi Luật Sư cho em hỏi trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng có vi phạm hay không, cụ thể: Em năm nay 26 tuổi, bạn trai 25 tuổi, chúng em yêu nhau và mướn phòng trọ chung sống từ tháng 12/2017. Chúng em có đăng ký tạm trú đầy đủ tại nơi sinh sống là phường H, thành phố G.

Hôm nay chủ nhà trọ thông báo rằng công an yêu cầu nam nữ trên 18 tuổi sống chung PHẢI có giấy đăng ký kết hôn. Nếu không bị coi là hành vi vi phạm luật pháp. Kính mong quý Luật Sư giải thích giúp em vấn đề trên ạ, và quy định pháp luật thế nào?. Chân thành cảm ơn quý Luật Sư

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy giấy đăng ký kết hôn chính là giấy tờ để chứng minh mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ sẽ do pháp luật điều chỉnh. Quyền, nghĩa vụ của các bên và với các thành viên trong gia đình sẽ do Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh.

Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Trường hợp này, các bên có đời sống chung như vợ chồng nhưng về thủ tục pháp lý thì chưa có đăng ký kết hôn nên quan hệ này sẽ không được pháp luật công nhận và sẽ không do pháp luật hôn nhân điều chỉnh. Nếu như hai bên không còn chung sống với nhau nữa thì khi chia tay, có tranh chấp về tài sản sẽ do luật dân sự điều chỉnh, nếu có con chung sẽ do luật hôn nhân điều chỉnh. Thực tế là việc chung sống với nhau mà không có đăng ký kết hôn sẽ gây ra rất nhiều bất lợi cho các bên nếu như khi sống chung không hòa hợp nữa dẫn đến chia tay.

Pháp luật không công nhận nhưng cũng không cấm trường hợp nam nữ còn độc thân mà chung sống với nhau như vợ chồng. Pháp luật chỉ cấm hai trường hợp sau đây:

- Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, có chồng chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

- Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

---------

Câu hỏi thứ 2 - Cha dượng có quyền đổi họ cho con riêng của vợ không?

Luật sư cho e hỏi. E chuẩn bị lập gia đình với 1 người là bà mẹ đơn thân .cô ấy có con với người khác nhưng là ở ngoài giá thú. Vậy bjo e lấy cô ấy thì e có dk quyền đổi họ của con cô ấy về họ của e hay ko. Và bố đẻ của con cô ấy có dk quyền nhận lại con hay ngăn cản ko cho e đổi lại từ họ cô ấy về họ của e hay không. Rất mong dk phản hồi sớm từ luật sư. E xin cảm ơn ạ!

Trả lời:

Điều 27 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 27. Quyền thay đổi họ

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

...

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

...

2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ."

Theo thông tin cung cấp thì anh không phải là cha đẻ của cháu bé nên chỉ có quyền yêu cầu thay đổi theo trong trường anh được công nhận là cha nuôi của cháu bé. Tuy nhiên, việc nhận nuôi con nuôi thì cần phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ đẻ của cháu bé theo Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010:

"Điều 21. Sự đồng ý cho làm con nuôi

1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác."

Trên đây là nội dung tư vấn về: Nam nữ sống chung không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn liên hệ luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo