Vũ Thanh Thủy

Một số câu hỏi về xác định cha cho con và nhận nuôi con nuôi

Luật sư tư vấn về việc nhận nuôi con nuôi với nội dung yêu cầu tư vấn như sau: Tôi có vợ và vợ có con riêng, con riêng của vợ có chồng khi chưa đủ tuổi đăng kí kết hôn. Nhưng đã chung sống như vợ chồng và bầu. Quá trình chung sống đó chồng của con riêng vợ tôi có người yêu và sua đuổi con gái vợ tôi không nhìn nhận con tự bỏ nhau. Vợ tôi rước con về nhà bà ngoại chờ sinh con.

Vậy đứa bé đó sinh ra, con của vợ tôi muốn cho. Vậy tôi muốn nhận con nuôi. Và người chồng không đăng kí của con gái vợ tôi có quyền ngăn cản hay làm khó gì không và chồng con gái vợ tôi có quyền nhìn con không. Rất mong được các luật sư tư vấn dùm thành thật cám ơn!

 

Trả lời: Chào anh, cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của anh như sau:

 

Thứ nhất, cần xác định người sống chung không đăng ký với con riêng của anh có phải là cha đứa bé theo quy định của pháp luật hay không.

 

Theo Điều 14, Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:

 

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

 

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.

 

Theo quy định trên thì trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì phải đủ điều kiện kết hôn theo quy định, còn trong trường hợp con riêng của vợ anh thì chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên không được pháp luật thừa nhận là chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

 

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP: “Điều 13. Hướng dẫn đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt

 

2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

 

3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con”.

 

Như vậy, nếu cả con riêng của vợ anh và người sống cùng đều thừa nhận đứa trẻ là con thì anh ta đương nhiên là cha của đứa trẻ theo quy định của pháp luật, được ghi tên người cha trong giấy khai sinh mà không phải làm thủ tục nhận con, nếu người đó không được thừa nhận là cha đứa trẻ thì anh ta vẫn có thể yêu cầu Tòa án xác định mình là cha đứa trẻ theo Điều 89 Luật HNGĐ: 

 

“1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

 

2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”.

 

Do đó, người sống chung với con anh hoàn toàn có thể được xác định là cha đứa bé nếu có sự thừa nhận của anh ta và con của anh, hoặc nếu không được thừa nhận thì anh ta có thể đưa ra các bằng chứng chứng minh mình là cha đứa bé để yêu cầu Tòa án xác định con.

 

Thứ hai, về nguyên tắc thì việc nhận nuôi con nuôi phải có sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi nên người sống chung với con anh có thể cản trở hoặc gây khó khăn cho việc nhận con nuôi của bạn. Vì theo quy định tại Điều 21 Luật nuôi con nuôi năm 2014 quy định:

 

“1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

 

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

 

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

 

4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày”.

 

Ngoài ra, anh cũng cần chú ý tới điều kiện nhận nuôi con nuôi theo Điều 14, Luật nuôi con nuôi 2010:

 

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

 

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

 

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

 

d) Có tư cách đạo đức tốt.

 

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

 

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

 

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

 

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

 

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

 

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Một số câu hỏi về xác định cha cho con và nhận nuôi con nuôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo