Cà Thị Phương

Ly hôn và những vấn đề về chia tài sản

Ly hôn và chia tài sản sau ly hôn là vấn đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các cặp vợ chồng khi quyết định ly hôn. Về nguyên tắc, sau khi ly hôn, tài sản riêng thì vẫn thuộc sở hữu của người đó, tài sản chung thì chia đôi theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Nhưng vấn đề mà nhiều cặp vợ chồng trăn trở là cách xác định tài sản chung của vợ chồng. Dưới đây là một số nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề "Ly hôn và những vấn đề về chia tài sản" thông qua tình huống thực tế.

Câu hỏi tư vấn: Xin chào luật sư.- xin tư vấn giùm em về ly hôn và chia tài sản như sau: Vợ chồng em mâu thuẫn từ ngày 1/10/201x và nhà ai nấy ở từ 15/10/201x đên nay. Tụi em có với nhau một đúa con trai sinh 201x lý do là từ lúc cưới tới lúc có thai cô ấy được bên chồng đồng ý cho ở bên nhà cô ấy, lý do ốm ngén không ăn uống được, mà về nhà cô ấy thì lại ăn uống được.với lại thuận tiện cho cô ấy học xong lớp trung cấp dược, học xong tháng 9 trước khi sinh.

Sau khi cô ấy sanh thì ở nhà cô ấy cho tới nay, và tôi kêu cô ấy về nhà chồng từ hôm tết 2014, là sau đề tháng nhưng cô ấy biện đủ lý do để ở bên nhà cô ấy.còn tôi thì phải ở theo bên nhà cô ấy để chăm sóc cô ấy và con. lý do tôi đi làm ở long an.nhà tôi ở gò công. Sáng đi chiều về 45 k m, nên cô ấy diện lý do đó mà bắt tôi qua nhà cô ấy chăm con, với ký do thuận tiện đi làm 17 km. mà trong khi đó nhà tôi chỉ còn mẹ già nay 64 tuổi, ở nhà với tôi. Vì tôi là út nên giao ở nhà thờ và chăm sóc mẹ.tooi tưởng cưới cô ấy về để có người chăm sóc cho mẹ tôi nhưng không lại như vậy.mà giờ ở bên nhà cô ấy cô ấy làm quyền, hở ra là kêu đưa tiền mua này mua kia.không biết tiết kiệm, ở nhà cô ấy chỉ lo chăm sóc con và đi nhiều chuyện, trong khi đó việc nhà giặt giũ mẹ cô ấy điều làm hết và còn giữ con phụ cô ấy nữa.nên cô ấy ỷ lại vì có mẹ lo nên rất lười.còn đối với tôi thì đi làm về cả ngày mệt mơi, vừa về tới nhà cô ấy đã đưa con cho tôi giữ. bắt tôi chở đi mua sữa cho con, trong khi đó mẹ cô ấy đi làm trưa 1h đã về ròi, nhưng cô ấy không chịu đi mua mà phải chờ tôi về kêu tôi chở đi mua.

Mâu thuẫn tiếp theo là hôm đám giỗ ba tôi cô ấy về nhà trước còn tôi đi làm chưa về, cô ấy nói với mẹ tôi là tôi giữ tiền và ăn xài phun phí nhậu nhẹt, cô ấy nói với mẹ tôi là lấy tiền, mà mẹ tôi thì không lẽ bênh con mà nói không, nên mẹ tôi uh. nhưng tôi không có, sáng tôi đi làm không uống cà phê, hút thuốc tôi càng không, lâu lâu tiệc ở cơ quan tôi mới đi để xã giao. tới lúc xong đám giổ hết tuần cô ấy về và mẹ tôi mới nói tôi nghe là cô ấy nói giữ tiền. tôi hỏi cô ấy nhưng cô ấy lại nói rằng mẹ tôi kêu lấy. tôi hỏi lại mẹ tôi cho rõ thì cô ấy điện thoại hỏi mẹ tôi , mẹ tôi nói không có, mẹ tôi tức đến nổi bị tai biến nhẹ  va tôi phải kêu xe đưa mẹ tôi lên bệnh viện 115  để khám, bác sĩ cho thuốc về uống, tiền sử của mẹ tôi là bệnh cao huyết áp.sau khi mẹ tôi bệnh cô ấy không có điện thoại hỏi thăm mẹ tôi thế nào, chỉ nhắn tin hỏi tôi 1 lần duy nhất.còn nhiều chuyện lắm nhưng tôi chỉ kể một vài chuyện điển hình để luật sư rõ mâu thuẫn của vợ chồng tôi.........nói chung là cô ấy không tiết kiệm, ỷ lại , lười biếng và còn biết tôi thương nên ăn hiếp tôi. tôi đã nhờ bà 6 cô ấy và ba cô ấy nhung vẫn không giải quyết được gì, trước giò cô ấy nghe lời hai người đó.bây giờ tôi kêu cô ấy về nhà chồng ở nhưng cô ấy không chịu, cứ đổi thừa mẹ tôi kêu ở 2 tuổi mới về với lý do nuôi con không nổi. về nhà mẹ chồng lớn tuổi không chăm con phụ nổi.nhưng mẹ tôi còn khỏe và ở nhà may đồ áo dài cho học sinh.

Cho tôi hỏi nếu làm đơn ly dị.về việc quyền nuôi con.ai có quyền nuôi.cô ấy chưa đi làm và bên gia đình cũng không có điều kiện. trước giờ cô ấy chưa đi làm. toàn tôi đi làm nuôi mẹ con cô ấy thôi.tôi ở nhà thờ nên  từ lúc cưới cô ấy về không có tài sản chung. còn đồ cưới là do tôi sắm, cô ấy đòi bán nếu tôi không chu cấp cho cô ấy từ lúc tôi về nhà tôi ở tới giờ. xin hỏi nếu ly dị cô ấy có được chia tài sản gì không, vì từ lúc cưới tới giờ cô ấy toàn ở bên nhà cô ấy. còn tiền tôi đi làm để dành gửi tiết kiệm cô ấy biết và đòi giữ sổ tôi không cho.xin hỏi cô ấy có chia gì trong số tiền đó không.- tôi biết trước khi ly hôn, thì con phải được 1 tuổi, và nếu nộp đơn thì tư pháp xã sẻ hòa giải vài lần trước khi đua ra tòa.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia,trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

I. Về vấn đề ly hôn: Có hai trường hợp là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn, nếu vợ bạn cũng đồng ý ly hôn thì không cần điều kiện gì, tuy nhiên nếu là đơn phương ly hôn, bạn hãy xem có đủ điều kiện theo quy định sau chưa:

"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

II. Về giành quyền nuôi con khi ly hôn:

Theo Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Như vậy, Khi ly hôn vợ, chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của các bên đối với con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi. Quyết định Tòa án dựa trên nhiều yếu tố, nhưng có thể xét những yếu tố cơ bản sau:

- Yếu tố về vật chất: điều kiện, hoàn cảnh gia đình của bố và mẹ

- Yếu tố tinh thần: đời sống tình cảm, sự quan tâm, thời gian bố mẹ dành cho con

- Nguyện vọng của bé (con bạn quá nhỏ không xét tới yếu tố này)

- Tuổi của bé (dưới 36 tháng tuổi người mẹ sẽ được quyền trừ trường hợp bạn chứng minh vợ bạn không đủ điều kiện nuôi con)

Với phân tích trên, do con bạn chưa đủ 36 tháng tuổi nên bạn phải tìm cách chứng minh vợ bạn không đủ điều kiện nuôi con (ví dụ như tình hình tài chính, điều kiện sinh hoạt, môi trường sống bên mẹ không tốt, hành vi của người mẹ không tốt với sự phát triển đứa bé,...).

III. Về việc chia tài sản sau khi ly hôn:

Tài sản chung của vợ chồng được xác định theo Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 như sau:

"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Như vậy, tiền bạn kiếm được khi đi làm và gửi tiết kiệm trong thời gian hôn nhân là tài sản chung. Còn phần tiết kiệm mà bạn kiếm được trong thời gian trước hôn nhân là tài sản riêng của bạn.

Nguyên tắc phân chia tài sản sau khi ly hôn được thực hiện theo Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình như sau:

"1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này."

Như vậy, tài sản riêng vẫn là của bạn, còn tài sản chung sẽ được phân chia theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng hoặc theo quyết định của Tòa án. Có lẽ trong trường hợp bạn được ly hôn, việc tìm được thỏa thuận với vợ bạn về vấn đề phân chia tài sản là rất khó. Do vậy, chúng ta cần xác định luôn là việc phân chia tài sản chung sẽ do Tòa án quyết định. Các yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng quyết định của Tòa án như sau:

- Người được giao trực tiếp nuôi con;

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Với những phân tích như trên, cùng với những chi tiết mà bạn đề cập đến trong câu hỏi, tôi có thể xác định khả năng cao vợ bạn sẽ được hưởng một phần tài sản ở sổ tiết kiệm của bạn. Tuy nhiên, mức hưởng thế nào tùy thuộc vào việc bạn và vợ trình bày trước Tòa thế nào về các yếu tố trên, trong đó yếu tố ai giành quyền trực tiếp nuôi con có ảnh hưởng lớn nhất tới Tòa.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo