Trần Diềm Quỳnh

Ly hôn và chia tài sản chung

Chị gái tôi phát hiện chồng ngoại tình. Giờ hai vợ chồng có xe ô tô, đất, nhà. Có 2 con chung. Vậy tôi muốn hỏi tài sản chung chia thế nào? Và làm sao để chị tôi được nuôi con?

 

Thời gian gần đây chị gái tôi phát hiện chồng ngoại tình, qua những tin nhắn. Hiện giờ anh rể tôi muốn ly hôn, anh chị có 2 cháu trai: 1 bé 7 tuổi, 1 bé 1,5t tuổi. Tài sản bao gồm: 1. Xe oto đứng tên anh rể, được mua do tiền của 2vc cùng đóng góp. 2. Một mảnh đất đứng tên cả chồng và vợ. Hiện tại mảnh đất này bố mẹ đẻ tôi đã xây nhà lên và đang ở tại đó (có trả cho anh chị 200tr/giá trị miếng đất là 400tr k làm giấy tờ. Khi xây vì tin tưởg con rể bố mẹ tôi để cho anh ấy làm giấy phép xây dựng tên anh. Tiền xây là 600tr hoàn toàn của bố mẹ tôi) 3. Một ngôi nhà trị giá 1,8 tỷ tên anh rể tôi được mẹ đẻ sang tên trước khi cưới.

Hỏi:

1. Nếu chị tôi đồng ý ly hôn thì tài sản sẽ được chia thế nào? Với ngôi nhà bố mẹ tôi ở có thể có cách nào để k bị kéo vào không? (vì tiền xây dựng của bố mẹ tôi hoàn toàn). 

2. Nếu a rể tôi đơn phương ly hôn (không có sự đồng ý của chị gái tôi) tòa có chấp thuận không? Và khi đó nếu chị chứng minh được nguyên nhân ly hôn là do a rể ngoại tình thì chị tôi có được phân xử có lợi hơn không? 

3. Trong điều kiện nào chị tôi được nuôi cả 2 cháu bé?

Rất mong nhận được sự tư vấn của quý cơ quan. Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

1. Trong trường hợp chị bạn đồng ý ly hôn, tài sản được chia theo căn cứ tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thì:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
...
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
...
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này”.

 

Mảnh đất đang đứng tên cả hai vợ chồng chị bạn. Nó là tài sản hình thành trong thời kì hôn nhân. Do đó, nếu không có thỏa thuận gì khác, quyền sử dụng đất được chia đôi. Mỗi người một nửa. Hoặc chị bạn lấy toàn bộ mảnh đất và trả cho người chồng khoản tiền tương xứng do hai bên thỏa thuận.

 

Xe ô tô là tài sản chung hình thành trong thời kì hôn nhân. Do hai vợ chồng đóng góp mua. Do đó, khi ly hôn, giá trị xe ô tô được chia đôi. Hoặc người chồng lấy xe ô tô nhưng trả cho chị bạn một khoản tiền tương xứng. Khoản tiền này do hai bên thỏa thuân.

 

Ngôi nhà được xây dựng do bố mẹ bạn cho tiền là 600 triệu. Vậy có hợp đồng tặng cho giữa bố mẹ bạn với vợ chồng chị bạn không? Hoặc có giấy tờ, căn cứ chứng minh việc tặng cho số tiền 600 triệu để xây dựng ngôi nhà đó. Như vậy, ngôi nhà này thuộc sở hữu của bố mẹ bạn. Thì đó không được xem xét là tài sản chung vợ chồng nữa và không có căn cứ để chia đôi giá trị ngôi nhà này cho hai vợ chồng chị bạn. 

 

2. Theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

 

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

 

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”

 

Nếu anh rể bạn có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Thì anh rể bạn có thể đơn phương ly hôn.

 

3. Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

 

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”

 

Để giành quyền nuôi con, chị gái bạn phải chứng minh được chị bạn có điều kiện kinh tế để nuôi con. Chẳng hạn mức lương hàng tháng có thể cung cấp điều kiện vật chất, ăn ở, học tập… cho con. Ngoài ra, chứng minh về việc chị bạn cung cấp được điều kiện tinh thần. Như giành thời gian yêu thương, chăm sóc, giáo dục con nhiều hơn. Nếu anh rể bạn ngoại tình thì đây là căn cứ để chị bạn chứng minh về việc ngoại tình thì không có khả năng yêu thương, chăm sóc, ảnh hưởng tâm lý con cái.

 

Hơn nữa, con chị ban có một bé dưới 36 tháng tuổi. Trừ trường hợp chị bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái hoặc thỏa thuận khác  thì chị bạn được nuôi dưỡng cháu bé. Với cháu 7 tuổi thì phải hỏi nguyện vọng của bé muốn ở với ai. Bé muốn ở với bố hay ở với mẹ. Tòa án sẽ tôn trọng ý chí, nguyện vọng này của bé.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Hoàng Thủy - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo