Luật sư Lê Văn Chức

Ly hôn theo yêu cầu của một bên, chia tài sản chung và con chung

Hiện nay, ly hôn không còn là vấn đề xa lạ trong xã hội hiện nay. Khi mục đích không đạt được mục đích hôn nhân, pháp luật cho phép vợ chồng ly hôn để mỗi bên có cơ hội đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Tuy nhiên, khi ly hôn những vẫn đề về thủ tục, phân chia tài sản, quyền nuôi con là vấn đề mà nhiều cặp vợ chồng trăn trở. Dưới đây là một số tư vấn của Công ty Luật Minh Gia về vấn đề này thông qua sự việc thực tế.

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư cho tôi hỏi về ly hôn đơn phương và vấn đề chia tài sản như sau: Tôi và chồng kết hôn đến nay đã hơn 4 năm chúng tôi hiện có 1 bé gái hơn 3 tuổi và tôi đang mang bầu bé thứ 2 được gần 4 tháng. Hai vợ chồng đều đi làm và có một số tài sản chung nhất định. Tuy nhiên trong quá trình chung sống tôi cảm thấy cô đơn và bế tắc nên tôi muốn ly hôn.

Trong quá trình chung sống suốt hơn 4 năm thành quả của 2 vợ chồng tôi như sau: xây được 1 ngôi nhà 3 tầng trị giá khoảng 1,8 tỷ (trên đất mà sổ đỏ vẫn đứng tên mẹ chồng tôi); mua được 1 chiếc xe 4 chỗ giá hơn 500 triệu đứng tên chồng tôi. Nguyên nhân muốn ly hôn: Trong suốt quá trình chung sống tôi rất ngột ngạt, cô đơn và bế tắc. 2 vợ chồng đi làm lương như nhau, có khi lương tôi còn cao hơn chồng tôi 15 - 20%. Tuy nhiên, mọi công việc trong nhà anh ấy không hề động chân động tay, con cái cũng phó mặc cho tôi ... Nhiều khi ốm mệt quá nhờ anh ta thì anh ta ừ cho có nhưng không bao giờ làm. Đã vậy thường xuyên đi sớm về khuya, sáng mở mắt ra là đi, tối 9-10h đêm (giờ này là thường xuyên), có hôm 1-2h sáng mới về. Hôm nào về muộn anh ta cũng ko thèm gọi điện thông báo với vợ một tiếng. Nếu anh ấy về mà vợ góp ý 1-2 câu là anh ta quay xe đi luôn đến sáng. Hôm nào có thời gian rảnh thì anh ấy chỉ ôm máy tính chơi điện từ. Góp ý quá nhiều mà không thay đổi. Tiền nong 2 năm nay anh ta cũng ko đưa tôi xu nào, lần nào hỏi đến cũng bảo: có lương rồi đưa, nhưng rồi mất hút. Anh ta phó mặc mọi việc trong nhà, việc nuôi con cho tôi. Cuộc sống đối với tôi cực kỳ ngột ngạt, gần như ngày nào tôi cũng khóc, có lúc stress nặng nề. Tôi đã thử thay đổi bản thân, đi làm tóc, ăn diện xinh hơn, nhẹ nhàng với chồng, tìm những món ngon nấu ăn rồi đợi chồng về ... Nhưng mọi việc làm của tôi vô ích. Bởi vì khi cưới anh ta cũng ko yêu tôi nhiều, chỉ vì tôi trót mang bầu nên phải cưới. Thành ra suốt hơn 4 năm qua tôi sắp phát điên rồi.Nay tôi muốn ly hôn. (suốt 4 năm chung sống, không dưới 10 lần tôi muốn ly hôn, nhưng nghĩ con còn nhỏ nên cố gắng. Giờ mà cố tiếp thì phát điên mất).

Xin các anh chị tư vấn giúp tôi:

- Trong suốt quá trình chung sống phần đóng góp của tôi cho gia đình không nhỏ, cùng chồng xây nhà, mua xe. Đất của ngôi nhà đứng tên mẹ chồng tôi (khi xây nhà cũng có sự hỗ trợ của 2 bên nội ngoại). Tôi làm thế nào để ly hôn lấy lại được phần tôi đóng góp lấy chi phí nuôi con. Nếu ly hôn tôi sẽ được phần tài sản như thế nào?

- Chiếc xe mua gần 1 năm trị giá hơn 500 triệu, hiện đứng tên chồng tôi. Nếu ly hôn tôi sẽ được phần tài sản như thế nào?

- Thủ tục ly hôn tôi cần làm là gì để đảm bảo quyền lợi cho tôi và con sau này. Tôi muốn 2 con sống với tôi, vì với 1 người bố ko hề có chút tình cảm yêu thường gì với chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra thì tôi ko muốn nhường quyền nuôi con cho chồng.

Tôi mong sớm nhận được phản hồi.Tôi xin chân thành cảm ơn!

Nội dung tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: 

Theo quy định tại Điều 51 luật hôn nhân và gia đình 2014:
"Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Căn cứ vào điều luật trên thì chị có quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra do chỉ mình chị yêu cầu ly hôn nên chị cần chứng minh được chồng chị vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Theo Khoản 1 Điều 56 luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

"Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".

Theo như chị nói ở trên thì chồng chị có vi phạm nghĩa vụ của mình làm cho chị cảm thấy bế tắc muốn ly hôn nhưng chị cần có bằng chứng chứng minh chồng chị vi phạm nghĩa vụ làm chồng để có thể ly hôn.

Đối với phần tài sản chung của 2 vợ chồng chị là 1 căn nhà, 1 chiếc xe ô tô và 2 con chung của anh chị.

Theo Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

"1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác
."

Thứ nhất, nếu cả hai vợ chồng chị thoả thuận được việc chia tài sản và nuôi con thì hai bên sẽ thực hiện đúng theo nội dung thỏa thuận.

Thứ hai, nếu hai bên không thể thoả thuận được thì theo nguyên tắc sẽ chia đôi nhưng có tính tới yếu tố công sức đóng góp của mỗi người trong việc tạo lập khối tài sản chung và lỗi của mỗi bên. Chị có nói rằng lương của 2 vợ chồng là như nhau, có khi lương của chị còn cao hơn 15% - 20% và 2 người cùng nhau mua nhà, mua xe thì khi ly hôn đây sẽ là căn cứ để chia cho chị phần hơn (lưu ý chị cần đưa ra những căn cứ chứng minh).

Về mảnh đất vẫn còn đứng tên mẹ chồng chị. Nếu đất vẫn đứng tên mẹ chồng mà chưa thực bất kỳ thủ tục pháp lí nào thì về nguyên tắc tài sản thuộc sở hữu của bố mẹ chồng. Và dĩ nhiên trong trường hợp này sẽ không phải đối tượng tranh chấp. Các anh chị chỉ có quyền tranh chấp phần tài sản là nhà ở (do được hình thành từ khối tài sản chung hợp nhất trong thời kỳ hôn nhân).

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Con chung của chị đã hơn 3 tuổi. Vì vậy, pháp luật sẽ không ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi như trường hợp quy định tại khoản 3  Điều 81 nêu trên. Đối với thai nhi trong bụng, chị tiếp tục chăm sóc cháu khỏe mạnh

Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).

Nếu hai vợ chồng không có thỏa thuận về việc nuôi con thì HĐXX sẽ căn cứ vào các điều kiện để quyết định ai sẽ là người trực tiếp nuôi con.

Điều 82 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó:

"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
 Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Nếu chị không được trực tiếp nuôi con thì vẫn có quyền được cấp dưỡng và thăm nom cháu bé, hành vi cản trở chị thăm nom cháu sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo