LS Vy Huyền

Ly hôn - Khi tình cảm không còn đủ sức níu kéo

Nội dung cần tư vấn: Chào luật sư, cho e hỏi: Hiện tại em đang rất bối rối về tình trạng hôn nhân của mình và rất mong được sự tư vấn của luật sư. Em năm nay 29 tuổi 2 vợ chồng bằng tuổi nhau. Vợ chồng em kết hôn được hơn 5 năm nhưng chưa có con vì em bị vô sinh. Vợ chồng em đến với nhau bàng tình yêu và sự vun đắp của 2 bên gia đình cưới nhau xong vợ chồng em thuê nhà ở riêng vì bọn em làm nghề và bố mẹ em rất thương yêu con dâu luôn lo lắng cho cô ấy.

Nhưng cách đây 4 tháng vợ em đột nhiên nói muốn chia tay vì em không có con và cô ấy không còn tình cảm với em nữa. Em rất đau khổ vì em rất yêu cô ấy. Nếu mất vợ em không biết mình sẽ sống ra sao. Em đã làm mọi cách để cố giữ lại hạnh phúc gia đình. Em đã uống thuốc và cũng đã có hy vọng có con nhưng cô ấy vẫn một mực nói không còn tình cảm và muốn chia tay. Em không phải là người chu toàn nhưng em rất yêu vợ và luôn giúp đỡ cô ấy trong mọi việc từ công viêc nội trợ đến công việc của cô ấy nên giờ em rất hoang mang. Luật sư cho em hỏi nếu bây giờ vợ em đơn phương ly hôn và em không đồng ý (vì em rất yêu thương cô ấy) thì liệu tòa có giải quyết cho cô ấy ly hôn em không ạ. Hiện tại vợ chông em vẫn sống với nhau bình thường nhưng không được mặn nồng như trước và cô ấy lúc nào cũng chỉ muốn ly hôn. E xin cảm ơn luật sư.


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi hiểu và lấy làm tiếc cho tình trạng hôn nhân hiện tại của vợ chồng bạn. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
 
Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh về ly hôn theo yêu cầu của một bên. Cụ thể:
 
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
 
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
 
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
 
Về nguyên tắc chung, kết hôn và ly hôn là quyền cơ bản của công dân. Không ai có quyền cản trở cũng như cưỡng ép kết hôn hoặc ly hôn giữa các cá nhân với nhau. Do là quyền cơ bản nên bạn không thể ngăn cản vợ mình ly hôn. Khi Tòa triệu tập nhưng bạn không đến thì Tòa vẫn có thể giải quyết ly hôn đơn phương vắng mặt bạn. Đây là một điều đáng buồn. Tuy nhiên, nếu phân tích câu chữ của quy định tại Điều 56, chúng ta có thể thấy rằng, để có thể ly hôn theo yêu cầu của một bên thì cần phải có hai yếu tố:
 
- Đã hòa giải nhưng không thành.
 
- Có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng”, “đời sống chung không thể kéo dài”, “mục đích của hôn nhân không đạt được.”
 
Về yếu tố thứ nhất, theo như bạn trình bày thì với tư tưởng sẵn sàng ly hôn bất cứ lúc nào của vợ bạn thì khả năng hòa giải thành sẽ không cao. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể hi vọng vợ bạn sẽ suy nghĩ lại trong quá trình hòa giải.
 
Về yếu tố thứ hai, có rất nhiều nguyên nhân làm cho “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng”, “đời sống chung không thể kéo dài”, “mục đích của hôn nhân không đạt được.” Và Tòa sẽ xem xét tất cả các yếu tố để có thể quyết định xem thụ lý đơn ly hôn đơn phương của vợ bạn hay bác đơn. Cụ thể, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn:
 
"a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
 
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
 
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
 
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
 
a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
 
a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt".
 
Có thể thấy hầu hết các nguyên nhân đều rất tiêu cực và xuất phát từ cả hai phía. Do đó bạn vẫn có thể hi vọng trước Tòa nếu mình chứng minh được tình trạng hôn nhân của mình vẫn có thể kéo dài và tốt đẹp với sự cố gắng và tình cảm của bạn thì bạn vẫn có thể cứu vớt được cuộc hôn nhân của mình. Việc này có thể không dễ dàng khi vợ bạn vẫn quyết tâm ly hôn. Nhưng nhiều khi lý do ly hôn của vợ bạn không như những gì bạn nghĩ.
 
Do vậy, về mặt pháp lý vợ bạn vẫn có thể gửi đơn ly hôn ra tòa. Trước mắt bạn cần chuẩn bị tâm lý để tham dự buổi hòa giải thật tốt, cố gắng chứng minh trước Tòa và thuyết phục vợ bạn quay lại với cuộc sống gia đình. Lợi thế bạn đang có được là chính từ lý do ly hôn của vợ bạn (không được pháp luật điều chỉnh cụ thể cũng như bất hợp lý về mặt xã hội). Nếu bạn tận dụng được lợi thế này để thuyết phục Tòa rằng bạn luôn có thể đón vợ mình trở lại, xây dựng lại đời sống hôn nhân thì Tòa hoàn toàn có khả năng sẽ bác đơn ly hôn của vợ bạn.

Trên đây là những căn cứ pháp lý cho vấn đề của bạn. Hi vọng nội dung tư vấn đã giúp bạn phần nào giải quyết được thắc mắc cũng như lo lắng của bạn. Nếu có thắc mắc, bạn có thể liên lạc với chúng tôi bất cứ lúc nào. Chúc bạn sớm vượt qua sóng gió này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo