Lò Thị Loan

Ly hôn khi không có giấy đăng ký kết hôn

Cho em hỏi em và chồng mới có quyết định ly hôn do đời sống vợ chồng em không hạnh phúc về việc người chồng nói và nghi ngờ em chat và quen bạn trên mạng rồi nói và vu oan cho em kiếm chuyện ly hôn như vậy để đi hẹn hò với người bạn của em trên mạng. Anh nói với gia đình anh là em đi theo trai. Nên em thấy không chấp nhận chung sống được với người chồng này nữa. Em muốn ly hôn đơn phương .

Nhưng những giây tờ phải có trong lúc nộp đơn ly hôn. Về giấy đăng ký kết hôn em không có. Hộ khẩu em cũng không. Vậy em nộp đơn xin ly hôn được không ạ. Bao lâu em mới nộp đơn ly hôn được.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn không có giấy đăng ký kết hôn, nhưng không nói rõ là hai người không đăng ký kết hôn hay bạn không giữ bản gốc giấy đăng ký kết hôn của bạn

Trường hợp hai người không đăng ký kết hôn

Do bạn không cung cấp thông tin về việc hai người đã chung sống như vợ chồng từ thời điểm nào nên chúng tôi xin đưa ra các trường hợp sau:

- Trường hợp 1: Quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987

Theo quy định tại điểm a mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ10 về việc thi hành luật hôn nhân gia đình thì: "Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000"

Nếu Quan hệ vợ chồng của hai người đã được xác lập trước ngày 03/01/1987 mà nay muốn ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 (Luật hôn nhân gia đình năm 2000 đã hết hiệu lực ngày 31/12/2014)

- Trường hợp 2: Nam nữ chung sống với nhau từ 03/01/1987 trở đi mà không đăng ký kết hôn

Tại điểm b, c mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ10 quy định:

b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;

c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Hiện nay, theo quy định tại điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 (có hiệu lực từ 01/01/2015) thì: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. 

Nếu hai người chung sống với nhau như vợ chồng từ 03/01/1987 đến nay mà vẫn không đăng ký kết hôn thì giữa hai người không phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 Các quyền và nghĩa vụ đối với con cái, việc giải quyết quan hệ tài sản trong trường hợp này như sau:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Trường hợp vợ chồng bạn có đăng ký kết hôn nhưng hiện bạn không giữ hoặc làm mất, hư hỏng giấy chứng nhận đăng kí kết hôn bản gốc

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về quyền yêu cầu ly hôn như sau:

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1.Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Khi cảm thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài hoặc mục đích hôn nhân không đạt được thì bạn có thể nộp hồ sơ xin ly hôn.  Hồ sơ xin ly hôn bao gồm:

- Đơn xin ly hôn (đơn phương)

- Giấy đăng ký kết hôn (bản chính);

- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao);

- Giấy khai sinh của các con (bản sao);

- Sổ hộ khẩu gia đình (hoặc của bạn và người chồng nếu không có hộ khẩu chung);

- Các giấy tờ liên quan đến tài sản (nếu có tranh chấp).

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn không có giấy đăng ký kết hôn và sổ hộ khẩu, trong trường hợp này, bạn có thể ra phường / xã nơi mà bạn đăng ký kết hôn yêu cầu họ trích lục giấy đăng ký kết để nộp cho tòa; đối với sổ hộ khẩu thì bạn đến công an xã/phường/thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để xin trích lục sổ hộ khẩu.

Khi bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin ly hôn nêu trên thì bạn có thể nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn hoặc chồng bạn cư trú.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo