Cà Thị Phương

Ly hôn đơn phương và chia tài sản khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài

Chị gái em sinh năm 1981 lập gd hợp pháp năm 2001. Có 2 cháu gái, 1 cháu sinh 2002 và 1 cháu sinh 2009. Anh chị sống với nhau hạnh phúc đến 2013 thì a chồng đi làm thầu xây dựng, gọi 1 bé trong xóm đã có chồng con đi nấu ăn cho thợ xây, sau đó cặp bồ luôn với người đó và sống chung với nhau trên công trường, chị em đã 3 lần dẫn con bắt xe đến công trường để nói chuyện và sẵn sàng tha thứ nếu như ông biết lỗi, nhưng ông không hề hối lỗi cũng không hề quan tâm 2 con gái

1 thời gian sau người con gái kia mang bầu và sinh đc 1 bé trai, ông nhận là con ông ấy (mặc dù thực hư ko biết ntn) .Giờ ông đó đã qua Lào làm ăn. Chị gái em đã nhiều lần liên lạc về Vn ký đơn ly hôn mà ông chưa về. Vừa rồi chị em làm đơn lên tòa án huyện nơi cư trú chung của hai vợ chồng nhưng không được nhận đơn, nộp lên tỉnh cũng không được nhận đơn và đòi mình về Xã xin giấy Chứng nhận Ông anh rể đang có mặt ở địa phương thì mới nhận đơn. Chị gái em giờ đang rất bế tắc, thậm chí gửi phong bì để họ nhận đơn để đc ly hôn. Mà cũng ko đc. Mong các luật sư tư vấn các bước để chị đc ly hôn ah.!   Hiện giờ 2 cháu gái thì ông bà ngoại đang nuôi, còn ông bà nội nó không quan tâm. Chị gái và ông a rể sống trong căn nhà do 2 vc làm, nhưng đất của ông nội để lại và hiện vẫn đứng tên bên ông nội, vì nghĩ sẽ ko xảy ra gì nên ko chuyển tên, từ 2014 biết có chuyện lục đục và chị gái muốn sang tên nhưng họ ko đồng ý nữa. Vậy tài sản này giải quyết ra sao ah MONG CÁC LUẬT SƯ SỚM HỒI ÂM TƯ VẤN. CẢM ƠN RẤT NHIỀU!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

I. Về việc đơn phương ly hôn:

Khoản 1 Điều 53 Luật hôn nhận gia đình 2014 có quy định:

"Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự."

Do vậy, Ủy ban nhân dân các cấp không có quyền xử lý việc của chị bạn, tuy nhiên họ không thụ lý thì phải giải thích và hướng dẫn chị bạn nộp đơn đúng cơ quan có thẩm quyền. Hành vi của họ rõ ràng là hành vi của những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm đối với người dân.

Theo những quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, Do chồng đang ở nước ngoài cho nên chị bạn hãy gửi đơn lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của hai vợ chồng. Tòa sẽ xác nhận địa chỉ thường trú anh rể bạn khi ở Việt Nam và địa chỉ hiện tại tại Lào để giải quyết vụ việc.

Trường hợp không thể biết địa chỉ hiện tại do bị giấu tin tức thì sẽ được giải quyết theo điểm b khoản 2.2 Điều 2 Chương II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP như sau:

"Trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức hoặc giấu địa chỉ nên nguyên đơn ở trong nước không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:

- Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết.

- Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng."

Rõ ràng là anh rể bạn có liên lạc với người thân trong nước, cụ thể là cô hàng xóm mà anh rể bạn ngoại tình. Do đó, nếu người đó từ chối không cung cấp địa chỉ và không thực hiện những nghĩa vụ theo yêu cầu của Tòa thì Tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử vắng mặt theo thủ tục chung.

Với lý do anh rể bạn xâm phạm nghiêm trọng tới chế độ hôn nhân được nhà nước bảo vệ, không thực hiện những nghĩa vụ của mình đối với vợ và những đứa con, Tòa chắc chắn sẽ đồng ý cho ly hôn.

II. Về việc chia tài sản:

Việc chia tài sản sau khi ly hôn được thực hiện theo thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được, việc chia tài sản sau khi ly hôn sẽ được thực hiện theo quyết định của Tòa, nguyên tắc sẽ được thực hiện theo Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:

"2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình."

Dựa vào những chi tiết bạn đề cập trong câu hỏi, tôi có thể xác định rằng mảnh đất là tài sản của bố anh rể bạn (do ông chưa làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất) nên chị gái bạn không thể đòi quyền lợi được. Còn căn nhà là tài sản chung của vợ chồng chị gái bạn sẽ được chia theo quyết định của Tòa án dựa vào những yếu tố quy định theo khoản 4 và khoản 6  Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (hướng dẫn chi tiết Điều 59 Luật hôn nhân gia đình trên) như sau:

"4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

a) “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

c) “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.

d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

...

6. Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu."

Chị gái bạn đang có lợi thế rất lớn trong việc được chia phần nhiều giá trị căn nhà theo quyết định của Tòa án với những tình tiết sau:

- Chị gái bạn trực tiếp nuôi con;

- Anh rể không thực hiện nghĩa vụ đối với những đứa con;

- Anh rể bạn ngoại tình với người thứ ba và có con riêng (anh tự nhận vậy);

- Hai người con chung đều chưa đủ 18 tuổi;

- Ba mẹ con chị gái bạn đang sinh sống trên căn nhà.

Tóm lại, mảnh đất vẫn thuộc về bố anh rể bạn nhưng căn nhà sẽ được chia ít nhất hơn một nửa và thậm chí có thể là toàn bộ cho chị gái bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo