Phạm Diệu

Làm thế nào để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn?

Luật sư tư vấn về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin chào luật sư. Tôi muốn được tư vấn về quy trình thủ tục và những vấn đề cần chuẩn bị khi thực hiện kiện tụng tranh chấp thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn.Tôi kết hôn năm 2008, tháng 6/2009 tôi sinh một bé gái. Tôi chính thức ly hôn theo quyết định của tòa vào tháng 11/2015. Theo phán quyết của tòa, tôi để quyền giám hộ lại cho người bố do có dự định đi du học và do bé có nguyện vọng ở với bà nội. Tuy nhiên, trong phán quyết này chúng tôi tự thỏa thuận nghĩa vụ thăm nuôi con. Trong đó có nội dung nếu người bố lập gia đình thì tôi được quyền đón con về nuôi. Tuy nhiên nội dung này chỉ thỏa thuận miệng. Mặc dù toàn bộ gia đình người bố biết nhưng sẽ không làm chứng trước tòa cho tôi. Đến thời điểm này, tôi không thể đi du học được và người bố đã lập gia đình mới, tôi đề nghị thực hiện cam kết lúc đó nhưng không được sự đồng ý mà ngược lại nhận đe dọa từ người bố là sẽ không cho tôi gặp con với lý do tôi không thực hiện nghĩa vụ nộp học phí cho con trong tháng 1/2018. Tuy nhiên, lý do tôi ko nộp ở đây là do tôi đòi quyền đón con về nuôi và thay đổi quyền thực hiện nghĩa vụ nuôi ăn và nuôi học với người bố nhưng không được đồng ý nên tôi ko nộp trong tháng này.Tôi nên làm gì tiếp theo và nên chuẩn bị thủ tục gì để đòi lại quyền nuôi con một cách chính thức? Người bố đã từng đi trại cai nghiện, bỏ nhà trốn nợ, cá độ bóng, ... có thể ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con nhưng tâm nguyện của con là ở với bà nội chứ không phải với bố nhưng với con, bố và bà nội ở chung 1 chỗ nên tâm lý của con khó nắm bắt. Trên thực tế dù cùng 1 nhà nhưng con cũng không mấy khi thấy bố. Tôi xin tư vấn từ luật sư. Ngoài ra tôi muốn thuê luật sư theo vụ kiện này thì kinh phí như thế nào? Xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

 

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

 

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

 

a) Người thân thích;

 

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

 

Căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp có yêu cầu của chị thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có căn cứ sau:

 

+) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

+) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Như vậy, trường hợp chị muốn đón con về ở với chị thì vợ chồng chị có thể thỏa thuận với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Tuy nhiên, người chồng không đồng ý thay đổi người trực tiếp nuôi con, mặc dù trước đó vợ chồng anh chị có thỏa thuận với nhau là nếu anh lập gia đình thì chị có quyền đón cháu về nuôi nhưng đó chỉ là thỏa thuận miệng giữa hai bên.

 

Do đó, trong trường hợp này, để thay đổi quyền nuôi con thì chị cần phải chứng minh người chồng không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, môi trường giáo dục không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của con. Cụ thể, chị có thể chứng minh bằng việc: nhân thân của người chồng không tốt (chồng đã từng đi trại cai nghiện, bỏ nhà trốn nợ, cá độ bóng đá…), con chủ yếu ở với bà nội và không nhận được sự chăm sóc từ bố, ngoài ra chị có thể chứng minh thêm về công việc và thu nhập của chồng. Đồng thời, chị phải có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án những bằng chứng để chứng minh căn cứ mình đưa ra.

 

Tòa án sẽ tiến hành xem xét những căn cứ chị đưa ra, có thay đổi được người trực tiếp nuôi con hay không phụ thuộc vào việc chứng minh của chị. Trường hợp những căn cứ đó là hợp lý và có cơ sở thì có thể Tòa án sẽ ra quyết định về thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

Về hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm:

 

- Đơn khởi kiện (theo mẫu);

 

- Bản án/Quyết định ly hôn;

 

- Sổ hộ khẩu, CMND của hai bên vợ chồng (bản sao chứng thực);

 

- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);

 

- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

Trường hợp chị cần hỗ trợ về mặt pháp lý từ phía chúng tôi, chị có thể liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo