Trần Phương Hà

Làm công việc nội trợ có được coi là công việc có thu nhập và được chia tài sản sau khi ly hôn

Luật sư tư vấn giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng là căn nhà tình nghĩa, và vợ chỉ làm nội trợ. Nội dung tư vấn như sau:

Xin chào Luật Minh Gia hôm nay tôi viết gmail này là để hỏi và muốn dc Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi về một vài vấn đề. Chồng tôi là bộ đội chuyên nghiệp còn tôi không có nghề nghiệp ổn định chỉ lao động tự do và vợ chồng tôi có chung 1 con gái năm nay cháu 4 tuổi và vợ chồng tôi đã cùng nhau mua 1 mảnh đất để làm nhà, trong quá trình làm nhà thì cả chồng tôi và tôi đều đứng tên vay ngân hàng để có thêm tiền làm nhà, ngoài ra còn được tỉnh đội hỗ chợ cho 70 triệu để làm nhà, khi làm nhà xong thì tỉnh đội và đơn vị chồng tôi đến làm lễ trao nhà gọi là nhà tình nghĩa. Nhưng giờ vợ chồng tôi sống không hòa thuận, chúng tôi muốn ly hôn nhưng chồng tôi bảo nếu li hôn tôi sẽ phải ra đi tay trắng không được chia đất, nhà hay tài sản gì vì nhà mang tiếng là nhà tình nghĩa sẽ không được bán. Vậy tôi xin hỏi và mong Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi là nếu ly hôn nhà đó có được phép bán và chia cho tôi 1 phần không. Hay tôi phải ra đi tay trắng Và đứa con gái có được sử theo mẹ không, tôi xin chân thành cảm ơn và sớm nhận được câu trả lời.

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau

Thứ nhất, vấn đề chia tài sản khi ly hôn

Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về vấn đề nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn như sau:

"2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng."

Khoản 2 Điều 16 Luật hôn nhân gia đình quy định  "... công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập."

Như vậy, bạn vẫn được hưởng một phần gia trị của ngôi nhà này.

Bên cạnh đó Khoản 3 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình quy định "Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.". Như vậy, nếu căn nhà này sẽ được định giá tài sản, nếu chồng chị nhận ở lại căn nhà này thì phải thanh toán cho bạn băng tiền mặt tương ứng với phần tài sản bạn được hưởng

Thứ hai, vấn đề người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định: "Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.'

Nếu 2 vợ chồng bạn không tự thỏa thuận được việc nuôi con thì Tòa án sẽ căn cứ trên cơ sở điều kiện các mặt của 2 bên để đáp ứng cho con tốt nhất. Vì vậy, nếu bạn muốn giành được quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì bạn cần tìm cho mình công việc ổn định để đảm bảo điều kiện vật chất cho con cũng như chứng minh mình có đủ thời gian chăm sóc cho con.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo