Cà Thị Phương

Không đăng ký kết hôn chia tay ai là người trực tiếp nuôi con?

Tôi có người em gái (tạm gọi là vợ) sinh năm 1989. Tổ chức đám cưới với người nam (tạm gọi là chồng) sinh năm 1970 vào năm 2010. Hai người sống chung và đã có với nhau 3 mặt con nhưng từ hồi cưới xong tới bây giờ người chồng không chịu đi đăng ký kết hôn. Tài sản chung không có gì cả. Thời gian gần đây 2 vợ chồng và 2 đứa con về ăn bám bố mẹ vợ. 8 tháng nay chồng đi làm không chịu về thăm vợ con.

Cách đây 6 tháng vợ sinh mổ đứa thứ 3 mà chồng cũng không về và cũng không gửi một đồng nào về lo cho vợ dưỡng thai và sinh nở cả. Từ khi đi tới bây giờ chồng chỉ gửi cho vợ được 3 triệu đồng. Bây giờ 2 vợ chồng muốn chia tay thì phải làm những thủ tục gì và ở đâu. Khi giải quyết cho 2 người chia tay thì 3 đứa con chia như thế nào? Nếu người vợ nuôi hết cả 3 đứa con thì người chồng phải phụ cấp hàng tháng không? (được biết 3 đứa con đều mang họ mẹ)

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:

 

"Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này."

 

Vì cả em bạn và chồng đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn cho nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, và vì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng cho nên khi chia tay vợ chồng em bạn không cần làm thủ tục ly hôn (thủ tục ly hôn nhằm chấm dứt quyền và nghĩa vụ vợ chồng).

 

Về vấn đề ai được trực tiếp nuôi con được xác định theo 2 trường hợp:

 

a) Trường hợp thứ nhất: Chồng em gái bạn có làm thủ tục xác nhận mình là cha 3 đứa bé. Tại trường hợp này, chồng em gái bạn sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với những đứa con.

 

Theo Điều 15 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:

 

"Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con."

 

Điều 81 quy định về việc chăm sóc và nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:

 

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

 

Vậy việc ai là người trực tiếp nuôi con sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa vợ chồng em gái bạn. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ thực hiện theo quyết định của Tòa án. Toà sẽ căn cứ vào những yếu tố cơ bản sau để ra quyết định:

 

- Yếu tố tinh thần (thời gian bố mẹ dành cho con, tình cảm,...);

 

- Yếu tố vật chất (môi trường sống bố mẹ, điều kiện kinh tế,...)

 

- Nguyện vọng của các con;

 

- Tuổi các con (con dưới 36 tháng tuổi người mẹ được lợi thế).

 

Tóm lại tùy vào sự nhận định của Tòa về những trình bày của vợ chồng em gái bạn về những yếu tố trên mà ra quyết định. Với vấn đề cấp dưỡng, Điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:

 

"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

 

Nếu 3 người con được phân chia cho 2 vợ chồng em gái bạn thì nghĩa vụ cấp dưỡng có lẽ sẽ không được đặt ra. Tuy nhiên, trường hợp một bên được trực tiếp nuôi cả 3 đứa con thì bên còn lại sẽ phải cấp dưỡng theo quy định trên, trừ khi bên còn lại chứng minh được mình không có đủ khả năng cấp dưỡng.

 

b) Trường hợp thứ hai: Chồng bạn không làm thủ tục xác nhận mình là cha 3 đứa bé.

 

Tại trường hợp này, đương nhiên quyền quyết định việc ai là người được trực tiếp nuôi các con nằm trong tay em gái của bạn. Em gái bạn có thể quyết định một mình nuôi các con hoặc cho phép chồng nuôi tùy vào quyết định của em bạn.

 

Tuy nhiên, chồng em gái bạn không bắt buộc phải cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo