Phương Thúy

Khai sinh cho con riêng khi chưa ly hôn với chồng cũ

Khi sinh ra, thủ tục hành chính mà chúng ta được thực hiện đầu tiên chính là được khai sinh, việc khai sinh có thể do bố, mẹ hoặc những người thân khác trong gia đình thực hiện. Theo quy định của Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thủ tục hành chính về khai sinh tương đối đơn giản.

Theo nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình thì con sinh ra trong thời kì hôn nhân là con chung của hai vợ chồng, tuy nhiên thực tế có những trường hợp dù con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải là con đẻ của người chồng thì giải quyết thế nào, đây chính là một trong những thắc mắc nhiều nhất của khách hàng mà Luật Minh Gia nhận được. Hoặc trong trường hợp bố mẹ ly hôn với nhau thì người có quyền trực tiếp nuôi con có thể tự mình thực hiện việc đổi họ, đổi tên, xác định lại dân tộc hay không. Tất cả nội dung trên, quý khách có thể liên hệ đến Luật Minh Gia để được hỗ trợ giải đáp.

Luật Minh Gia gửi bạn tình huống dưới đây như ví dụ minh họa.

Câu hỏi tư vấn: Em chào anh chị. hiện tại em đang gặp trục trặc trong vấn đề làm giấy khai sinh cho bé. mong anh chị giải đáp cho em với ạ. Em kết hôn tháng 4/2009 đến tháng 8/2009 thì ck e xích mích đánh nhau phai chịu mức án 20 năm tù. tháng 10/2009 e sinh con, năm 2013 e có làm đơn phương ly hôn nhưng bị đình chỉ, cviec bận rộn nên e gác sang một bên ,đến năm 2014 thì e quen 1 người đàn ông khác và mang bầu. 5/2015 e sinh con. nay e đã nhập khẩu từ bên nhà chồng về theo bố mẹ đẻ mà không cần ly hôn. Em ra UBND phường làm khai sinh cho con theo họ mẹ nhưng họ nói không làm được và cũng không đưa ra hướng giải quyết cho em. vậy cho em hỏi trường hợp của em thì e phải xử lý như nào ạ.

Trả lời tư vấn: Chào chị, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định

Hiện tại, chị và chồng chị vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp cho nên con chị sinh ra là con chung của vợ chồng.

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:

1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

a. Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;”

Theo quy định trên thì chị và chồng chị không có thỏa thuận về việc xác định họ, tên, dân tộc của con chị thì sẽ được xác định theo tập quán nhưng sẽ đảm bảo theo họ của cha hoặc mẹ. Mà hiện nay, theo tập quán của Việt Nam thì con sẽ mang họ cha, nên việc chị đi khai sinh mang họ mẹ mới không được UBND phường chấp thuận là có cơ sở. Do đó, trường hợp chị không muốn con của chị mang họ của chồng chị thì có thể làm theo hướng dẫn sau:

Thứ nhất, chị làm đơn xin Tòa án yêu cầu công nhận chồng chị không phải cha đẻ của con chị kèm theo đó là chứng cứ như giấy xét nghiệm ADN để chứng minh chồng chị và con chị không có quan hệ huyết thống.

Thứ hai, khi có xác nhận của Tòa án, chị có thể làm giấy khai sinh cho con theo Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống”.

Lúc này, con chị sẽ mang họ chị và phần ghi về cha sẽ được bỏ trống. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo