Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về việc thỏa thuận trợ cấp nuôi con ngoài giá thú

Văn bản thỏa thuận cấp dưỡng nuôi con có được coi là cơ sở để yêu cầu Tòa án giải quyết nếu sau này một trong hai bên không thực hiện đúng thỏa thuận không?

Nội dung câu hỏi: Kính gửi Luật minh gia. Hiện nay tôi có vướng mắc sau cần nhờ Luật minh gia tư vấn giúp. Vấn đề của tôi như sau: Tôi và anh T sống chung với nhau như vợ chồng tư tháng 1/2016 đến tháng 9/2016. Chúng tôi đã có con với nhau, từng đi chụp ảnh cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn. Nhưng anh T 1 mực không nhận con, không có trách nhiệm với con trong suốt thời gian tôi mang bầu, cũng như lúc con tôi sinh. Tôi đã sinh 1 con gái vào tháng 03/2017. Hiện nay anh T nói là sẽ đồng ý gửi tiền cấp dưỡng nuôi con, nhưng là 2 bên tự thoả thuận rồi tự ký. Tôi muốn hỏi là liệu làm như vậy có cơ sở để sau này nếu anh T không gửi tiền cấp dưỡng nuôi con k? Sau này nếu anh T không gửi tiền thì tôi phải làm thế nào? Vì đứa con của tôi với A thoát là con ngoài giá thú.

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Pháp luật về hôn nhân hiện hành không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai, con gái, con nuôi, con đẻ, con trong giá thú với con ngoài giá thú. Vì vậy, trong trường hợp này mặc dù con bạn là con ngoài giá thú nhưng cha của đứa trẻ vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ đối với con.

Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau:

“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Như vậy, việc cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp này của bạn là nghĩa vụ của người cha đối với con. Tuy nhiên, do hai bạn chỉ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn vì vậy, để có căn cứ cho việc yêu cầu người cha cấp dưỡng cho con thì bạn phải chứng minh được người đó là cha của con bạn. Về thủ tục xác nhận cha con bạn có thể tham khảo bài viết về  thủ tục xác nhận cha cho con. Khi đã xác nhận được quan hệ cha con thì thỏa thuận giữa hai bạn mới có căn cứ. Thỏa thuận giữa bạn và cha của con bạn về việc cấp dưỡng sẽ là cơ sở để bạn yêu cầu cấp dưỡng sau này.

Tuy nhiên, việc tự ký kết thỏa thuận giữa bạn và cha của con bạn như vậy có thể xảy ra rủi ro rất lớn. Nếu trong trường hợp cha của con bạn đã có thỏa thuận cấp dưỡng mà không thực hiện cấp dưỡng theo đúng thỏa thuận thì trong trường hợp này quyền lợi của bạn và con bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu việc thỏa thuận này được thực hiện tại Tòa án và được Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận thì bạn có thể yêu cầu Tòa giải quyết đối với trường hợp người cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Còn trong trường hợp của bạn không có gì để đảm bảo trong trường hợp người cha không thực hiện cấp dưỡng.

Vì vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con mình bạn và cha của con bạn nên thực hiện thỏa thuận này tại Tòa án có thẩm quyền. Khi đó nếu sau này anh ấy có trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ thì bạn có thể gửi đơn lên Tòa án yêu cầu buộc anh ấy thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến luật sư tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo