Hoàng Thị Kim Lý

Giành quyền nuôi con sau ly hôn khi con bị ảnh hưởng tâm lý

Luật sư tư vấn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn khi người đang trực tiếp nuôi dưỡng không có những điều kiện tốt nhất cho con. Nội dung tư vấn như sau:


Xin kính chào quý luật!Tôi xin luật sư tư vấn giúp tôi một vấn đề như sau: Tôi đã ly hôn được hơn 1 năm, hiện nay mỗi người nuôi 1 đứa con (đều là con gái) cháu lớn 8 tuổi đang học lớp 3 ở với bố (Tỉnh. BInh dương). Bố nhận nuôi, tuy nhiên không có thời gian chăm sóc, nên bà nội từ quê vào ở và nuôi. Trong thời gian cháu sinh sống với bố và bà, con tôi có những biểu hiện xa lánh và không muốn nói chuyện với mẹ, cháu sợ sệt. Lo lắng mỗi khi mẹ tiếp xúc và gần gũi, biểu hiện của cháu là để ý xung quanh xem có bà gần đó không rồi mới dám nc với mẹ. Một thời gian dài trong không dám gặp mẹ, vì sợ bà hù dọa, nếu đi với mẹ bà sẽ về quê hoặc không chở đi học. Tôi đã trao đổi vấn đề này với chồng cũ. Nhưng không cải thiện đượcdạo gần đây, cháu lớn hơn, có nhận thức và kể cho tôi nghe, qua đó cháu đã phải kìm nén cảm xúc của mình, thương nhớ mẹ nhưng không dám gặp. Vì sợ bà. Cháu có nguyện vọng muốn được ở với mẹ. Xin hỏi luật sư bây giờ tôi cần làm những thủ tục gì và phải chứng minh gì (Tôi có tài sản chung là nhà với chồng cũ nhưng chưa chia). Hiện nay tôi đang thuê ở chung cư, công việc tôi ổn định, đủ để trang trải nếu nhận nuôi cháu, thời gian tôi vẫn chủ động đưa đón các cháu đi học, chăm lo ăn uống đầy đủ. Bố cháu thì không làm được như vậyKính nhờ luật sư tư vấn giúpnếu tôi khởi kiện cần có thủ tục gì ạ?chân thành cảm ơn luật sư

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề chị đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

 

"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

 

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

 

a) Người thân thích;

 

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

d) Hội liên hiệp phụ nữ"

 

Như vậy, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn khi: Bố mẹ thỏa thuận hoặc người đang trực tiếp nuôi con không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con.

 

Điều kiện nuôi dưỡng con thông thường sẽ dựa trên một số yếu tố sau:

 

+ Điều kiện về vật chất, bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ.

 

Nhà ở, điều kiện vật chất, thu thập của người vợ hoặc chồng sẽ là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

 

+ Điều kiện về tinh thần, bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con; sự yêu thương, tình cảm đối với con từ trước đến nay; điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.

 

Những “thói hư, tật xấu”, thời gian hạn chế sẽ là một yếu tố gây trở ngại trong việc trực tiếp nuôi con.

 

+ Nguyện vọng của con: trường hợp của chị, con của chị đã 8 tuổi nên anh chị phải hỏi nguyện vọng của bé: là việc người con mong muốn được sống với ai.

 

Như vậy, trường hợp của chị, chị có thể làm đơn gửi đến Tòa án để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

Hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm:

- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
 
- Bản án ly hôn;
 
- Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực);
 
- Giấy khai sinh của con (bản sao);
 
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.

Về hồ sơ, chị cần phải gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng cũ chị cư trú để được giải quyết.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo