Nguyễn Văn Cảnh

Giành quyền nuôi con khi bản thân có hành vi ngoại tình

Chồng em đi xuất khẩu lao động. Trong thời gian đó em đã quan hệ với người cùng cơ quan. Mặc dù đã nhiều lần muốn chấm dứt. Nhưng người này thường xuyên đe doạ, đánh đập khi em có ý định chia tay. Chồng em đã biết và đã đôi lần tha thứ nhưng vì lý do sợ người kia và sợ mọi người cười chê nên em vẫn chấp nhận và bây giờ chồng em muốn ly hôn

Vợ chồng em có 2 con một cháu hơn 7 tuổi, còn một cháu 5 tuổi. Vậy em muốn hỏi khi ly hôn em có quyền được nuôi con không ạ? Vì em sợ nếu xem xét đến tư cách đạo đức em không thể có quyền nuôi con. Công việc của em ổn định có thể đảm bảo cuộc sống cho con.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho công ty chúng tôi. Câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

=> Như vậy, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi các con sau khi ly hôn. Nếu không thỏa thuận được thì khi bạn muốn giành quyền nuôi con thì phải có nghĩa vụ chứng minh với Tòa rằng mình có đủ các điều kiện để chăm sóc con một cách tốt nhất như:

+ Chứng minh về kinh tế: Khi xem xét đến yếu tố kinh tế để công nhận quyền nuôi con cho cha hoặc mẹ Tòa án sẽ xem xét đến mức thu nhập bình quân một thàng của cha, mẹ; mức độ ổn định của nghề nghiệp…

+ Chứng minh thời gian chăm sóc nuôi dưỡng con:

Việc xem xét đến thời gian của cha, mẹ có đủ để dành cho con không cũng là một yếu tố quan trọng. Cha, mẹ có đủ thời gian để chăm sóc con thì con mới cảm nhận được sự yêu thương, chở che từ cha mẹ. Đó cũng là yếu tố chứng minh tình cảm của cha mẹ dành cho con.

+ Chứng minh về nhân phẩm, đạo đức:

Tòa án sẽ xem xét đến cách giáo dục con cái, lối sống, quan hệ của cha, mẹ đối với gia đình, xã hội. Nếu cha, mẹ thường xuyên đánh đập con cái, sống không chan hòa với làng xóm thì chắc chắn Tòa án sẽ không công nhận quyền nuôi con cho người đó.

Đó chỉ là một trong những cách để chứng minh đủ điều kiện nuôi con sau ly hôn của cha và mẹ, khi xem xét vấn đề này Tòa án sẽ phân tích kỹ lưỡng và toàn diện mọi mặt của cha, mẹ để đảm bảo rằng người con được hưởng những thứ tốt nhất từ người chăm sóc mình sau khi ly hôn.

Theo thông tin bạn cung cấp kết hợp quy định của pháp luật thì đối với đứa trẻ 7 tuổi cần xét tới nguyện vọng xem đứa trẻ có nguyện vọng ở cùng bố hay mẹ. Trường hơp, đứa bé nguyện vọng ở với bố thì Tòa án sẽ trao quyền nuôi dưỡng cho người bố. Trường hợp, đứa trẻ nguyện vọng ở với mẹ thì Tòa án sẽ trao quyền cho người mẹ nuôi.

Riêng đối với đứa trẻ 5 tuổi, thì hai bên cần chứng minh được các yếu tố trên. Bên nào có thể đảm bảo tốt hơn thì sẽ trao quyền nuôi dưỡng cho người đó. Đồng thời, bạn chứng minh được rằng chồng bạn không đủ khả năng để nuôi dưỡng, thiếu thốn tình cảm, không có thời gian để chăm sóc con, không quan tâm tới con thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tuyên quyền nuôi dưỡng con cái cho bạn.

Như vậy, để xét tới viêc bạn có quyền nuôi hay không cần xem nguyện vọng của đứa trẻ ( trẻ hơn 7 tuổi) có mong muốn ở cùng bạn không cũng như việc bạn chứng minh các yếu tố đảm bảo về mọi mặt cho cuộc sống của con đến đâu (trẻ 5 tuổi). Hành vi ngọai tình của bạn chỉ là căn cứ để giải quyết đơn ly hôn cho hai bên chứ không phải là căn cứ chính để giải quyết về quyền nuôi con. Tuy nhiên, dù bạn có giành được quyền nuôi con nhưng, rõ ràng việc vợ chồng bạn ly hôn là một cú sốc rất lớn đến tinh thần và cuộc sống của con cái bạn, nếu như người chăm sóc con sau ly hôn không tốt thì sẽ càng tác động hơn nữa đến cuộc sống của con cái. Bạn nên nhanh chóng chấm dứt mối quan hệ bất chính với người cùng cơ quan và dành thời gian chăm sóc cho 2 cháu thật tốt.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo