Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giảm mức cấp dưỡng cho con khi gặp điều kiện kinh tế khó khăn được không?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Luật sư cho hỏi, Tôi và chồng tôi hiện tại sống chung với nhau gần một năm sau khi anh ly hôn với vợ cũ và có một đứa con với vợ cũ. Sau khi ly hôn , tòa án có hỏi anh là có thể trợ cấp bao nhiêu thì anh trả lời từ 1.500.000đ đến 2.000.000đ.

HĐ nói : Vậy anh thương con thì phụ cấp mỗi tháng 2.000.000đ. Anh cũng đồng ý vì lúc ly hôn anh có công việc ổn định, có tiệm sửa xe riêng, chúng tôi không sống cùng gia đình, thuê nhà ở riêng, cuộc sống lúc đó cũng đủ ăn đủ mặc vì trước đó tôi và anh có vay mượn tiền mẹ tôi và anh tôi để sang lại tiệm sửa xe của người ta, nên mỗi tháng tôi phải trả góp lại cho mẹ va anh tôi 2 triệu. Rồi còn trợ cấp cho con anh, tiền thuê phòng trọ, tiền thuê mặt bằng thì mỗi tháng tôi chẳng có dư mà còn thiếu hụt, mắc nợ thêm. Tôi và anh ráng gói ghém tiền bạc để mỗi tháng phụ cấp cho con bé. Nhưng chủ mặt bằng lấy lại mặt bằng không cho thuê nữa, rồi vợ chồng tôi phải dọn đồ đi kiếm chỗ khác làm ăn, nhưng chẳng mấy suôn sẻ , làm chỗ khác càng thêm lỗ tiền mặt bằng mà chẳng có khách, rồi lại thêm nợ. Suốt gần 2 tháng trời vợ chồng tôi không có khi nào ổn định, không có cái ăn, đến ngày phải đóng tiền cho con bé thì vợ chồng tôi cũng không còn khả năng, thì bên vợ cũ của anh lại kiếm chuyện, gia đình anh chẳng giúp đỡ gì cho anh dù chỉ một ngàn. Toàn nhờ vào anh hai và mẹ tôi. Bây giờ vợ chồng tôi kiếm từng đồng từng cắt mà gia đình anh còn nói tôi ích kỷ. Thật sự bây giờ tôi mở lại tiệm nhỏ để anh làm thì cũng làm cho mẹ tôi, vì tất cả toàn là tiền của bà, tôi và chồng cũng như làm thuê cho bà. Tôi có đưa cho chồng 500.000đ gửi cho con bé, tôi cũng có nói giờ chỉ còn bao nhiêu thôi, mình hết khả năng phụ cấp 2 triệu rồi. Bây giờ tôi xin hỏi luật sư xin luật sư chỉ tôi làm thế nào để thay đổi mức phụ cấp của anh cho con anh. Vì giờ chúng tôi chưa có con, chưa chính thức kết hôn vì vợ cũ chưa cắt hộ khẩu đi, anh cũng làm công thôi, tiệm mới mở chỉ có vài người khách không như trước nữa. Với 2 triệu vợ chồng tôi làm sao sống khi ở nhà thuê nhà mướn. Tôi có tiền tôi cũng phụ anh cho thêm con bé nhưng giờ ngoài khả năng của vợ chồng tôi. Xin luật sư giúp cho vợ chồng tôi. Xin cám ơn!

 

Giảm mức cấp dưỡng khi người có nghĩa vụ có kinh tế khó khăn?
Thay đổi mức cấp dưỡng?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn

 

Khi ly hôn thì theo quy định của pháp luật người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định tại khoản 2, điều 82 Luật hôn nhân và gia định 2014:

 

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con".

 

Theo quy định tại khoản 1, điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về mức cấp dưỡng thì nếu như 2 vợ, chồng không thỏa thuận được với nhau thì mức cấp dưỡng cụ thể do Tòa án quyết định:

 

"1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".

 

Việc cấp dưỡng là do thỏa thuận của 2 bên bao gồm các khoản chi phí như: nuôi dưỡng, học hành của con,... Việc người chồng đồng ý cấp dưỡng cho con 2.000.000 khi ly hôn là sự tự nguyện của người chồng và sự tự nguyện này được Tòa án chấp nhận. Vì vậy, hàng tháng người chồng sẽ có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con số tiền đã thỏa thuận trên.

 

Về điều kiện thay đổi mức cấp dưỡng

 

Tuy nhiên, trong trường hợp này, do người chồng đang ở với chị đang gặp khó khăn trong cuộc sống, thu nhập không ổn định như thời điểm ly hôn nên nếu xét trên thực tế người này có cơ sở để được giảm mức cấp dưỡng. Nếu như người vợ cũ của người này không đồng ý thì người này có thể làm đơn đến Tòa án đã giải quyết việc ly hôn để yêu cầu thay đối mức cấp dưỡng theo quy định tại khoản 2 điều 116 Luật HN&GĐ:

 

"2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết"

Ngoải ra, việc cấp dưỡng còn có thể tạm ngừng nếu người chồng không còn có khả năng cấp dưỡng (kinh tế khó khăn). Tương tự như với trường hợp giảm mức cấp dưỡng, đối với vấn đề tạm ngừng việc cấp dưỡng nếu hai vợ, chồng không thỏa thuận được thì người chồng có thể làm đơn xin tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp này. Nếu nhận thấy người chồng thật sự không có khả năng cấp dưỡng thì Tòa án sẽ xem xét và không buộc người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại điều 117 Luật HNGĐ 2014:

 

"Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".

 

Việc cấp dưỡng có thể tiếp tục trở lại khi người chồng đã có sự hồi phục về mặt kinh tế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giảm mức cấp dưỡng khi người có nghĩa vụ kinh tế khó khăn?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo