LS Vy Huyền

Giải quyết việc thoả thuận quyền nuôi con sau khi ly hôn của hai vợ chồng?

Luật sư tư vấn về việc thỏa thuận quyền nuôi con sau khi ly hôn. Sau khi ly hôn thì bản thỏa thuận này có hiệu lực không? Bản thoả thuận này có hiệu lực bao lâu và có cần mang đến cơ quan nào để giám hộ không?

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư! Cháu lấy chồng đầu năm 2015 hiện tại cháu có 2 con nhỏ 1 bé 29 tháng và 1 bé 4 tháng tuổi. Sau khi lấy chồng thì cháu được ra ở riêng và được bố mẹ chồng cho một cửa hàng lên cháu nghỉ làm ở nhà nội trợ và kinh doanh buôn bán cùng chồng.  Cuộc hôn nhân của bọn cháu không được hạnh phúc do bất đồng quan điểm thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, hiện tại hai vợ chồng cháu vẫn cố gắng dung hoà sống vì con, nhưng cháu sợ sẽ không kéo dài được bao lâu khi vợ chồng không còn tình cảm với nhau và mâu thuẫn ngày càng tăng. Cháu sợ sau này khi con cháu đã đủ 36 tháng mà vợ chồng cháu không thể tiếp tục cuộc hôn nhân đó nữa bọn cháu ly hôn thj sẽ chỉ được nuôi một đứa! Nên bây giờ cháu viết bản thoả thuận sau khi ly hôn cháu sẽ được quyền nuôi cả 2 đứa con và chồng cháu sẽ trợ cấp 3trieu đồng một tháng cho một đứa đến khi 2 đứa nhỏ đủ 18 tuổi, chồng cháu đã đồng ý và ký!

Hỏi: Vậy nếu sau này ly hôn thì bản thoả thuận này có hiệu lực không ạ? Và bản thoả thuận này có hiệu lực bao lâu và có cần mang đến cơ quan nào để giám hộ không ạ? Rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư! Cháu xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 

Căn cứ theo quy định tại Điều 81 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

 

Theo quy định của pháp luật thì vợ chồng có quyền thỏa thuận nuôi con sao cho phù hợp với lợi ích của con. Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được, thì về nguyên tắc, Đối với trường hợp này của bạn, do bạn có hai con, một bé 29 tháng tuổi và một bé 4 tháng tuổi thì theo quy định của pháp luật thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 55 về Thuận tình ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

 

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.


Như vậy điều kiện để Tòa án nhận đơn, thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là vào thời điểm viết đơn, ký đơn, gửi đơn hai vợ chồng bạn cùng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận của vợ chồng cũng được xem xét sao cho bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người vợ và người con khi ly hôn.

 

Do đó đối với trường hợp này, bạn và chồng bạn có thể làm một văn bản thỏa thuận về việc bạn được quyền nuôi dưỡng hai con sau khi ly hôn và chồng bạn sẽ cấp dưỡng 3 triệu đồng/1 tháng đối với một cháu bé cho đến khi hai cháu bé đủ 18 tuổi. Bạn có thể đem văn bản thỏa thuận của hai vợ chồng ra văn phòng công chứng, chứng thực để văn bản pháp luật có hiệu lực trên pháp luật. Văn bản thỏa thuận sẽ là căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết cho bạn được quyền nuôi hai con sau khi ly hôn.

 

Do Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định các bên có thể thỏa thuận việc chăm sóc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn nhưng cũng quy định quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của cha, mẹ (không trực tiếp nuôi con) trong trường hợp cha mẹ có thỏa thuận hoặc thấy rằng người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Việc bạn thỏa thuận với chồng bạn không được tranh giành quyền nuôi con không thể ghi rõ được là bao lâu vì khiến quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của chồng bạn bị mất đi, như vậy là trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, trong trường hợp sau khi ly hôn bạn được nuôi con, nhưng sau một thời gian bạn không còn điều kiện để đảm bảo cuộc sống của con mà vợ chồng bạn thỏa thuận như vậy thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của con. Do đó, bạn muốn thời hạn của văn bản thỏa thuận quy định quyền nuôi con giữa bạn và chồng bạn là lâu dài không có thời hạn thì sẽ không được Tòa án chấp thuận và sẽ không có hiệu lực pháp luật.

 

Cho nên, sau khi hai vợ chồng bạn lập văn thỏa thuận có công chứng xong và đã được Tòa án xem xét và Tòa án quyết định bạn được quyền nuôi hai con thì về sau để đảm bảo chồng bạn yêu cầu thay đổi người trược tiếp nuôi con cho rằng bạn không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn phải đảm bảo đủ điều kiên trồng nom, chăm sóc, nuôi dưỡng hai con của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Vi Thị Huyền - Luật Minh Gia

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo