LS Thanh Hương

Giải quyết chia tài sản thế nào khi ly hôn mà chồng chung sống với người khác?

Luật sư tư vấn trường hợp yêu cầu giải quyết ly hôn trong trường hợp người chồng đang chung sống như vợ chồng với một người khác và các vấn đề pháp lý liên quan.

 

Câu hỏi: Thưa luật sư Cha mẹ em kết hôn trước năm 1985. Cả 2 người không đăng ký kết hôn. Năm 1990 tới 1994 cha em có làm đơn li hôn gửi tòa án xử nhưng chưa li hôn đc chỉ là ly thân. Tòa yêu cầu cha em chu cấp hàng tháng đến lúc em và chị em 18 tuổi. Trong thời gian này trước năm 1990 cha và mẹ không sống chung lúc đó cha có vợ bé. Hôm nay cha em làm đơn khỏi kiện ly hôn lần nữa. Hiện tại cha mẹ không sống chung từ lâu rồi và cha đang sống với người khác có con nay 18 tuổi ....Em muốn hỏi có ly hôn đc ko và tài sản chia như thế nào? toàn bộ tài sản mẹ em đứng tên.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Tại khoản 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 có quy định như sau:

 

3. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:

 

a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

 

Nếu nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3/1/1987 thì vẫn được coi là vợ chồng, do vậy, trường hợp bố mẹ bạn chung sống với nhau từ trước năm 1985 thì vẫn được công nhận quan hệ vợ chồng mặc dù không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.

 

Như chị đã trình bày, tùy bố chị đã làm thủ tục ly hôn từ năm 1990-1994 nhưng Tòa án vẫn chưa ra quyết định giải quyết yêu cầu ly hôn cho bố mẹ chị, mà hiện tại bố mẹ chị chỉ đang sống ly thân, vậy quan hệ vợ chồng giữa bố và mẹ chị vẫn còn tồn tại.

 

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về các hành vi bị cấm tại Khoản 2, Điều 5. Trong đó:

 

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

 

2. Cấm các hành vi sau đây:

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

...

Như vậy, pháp luật về hôn nhân gia đình của Việt Nam không cho phép một người đang có quan hệ hôn nhân kết hôn với một người khác, nên việc bố chị có “người vợ hai” chỉ mang tính chất là chung sống như vợ chồng với người này mà không được công nhận quan hệ vợ chồng

 

Nếu người này và bố chị đã chung sống như vợ chồng trong một thời gian dài mà không được công nhận quan hệ hôn nhân, thì hậu quả của việc này sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 14 – Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

 

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

 

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

 

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

 

Đồng thời, Điều 16 Luật này cũng có quy định:

 

Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

 

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

 

Hiện tại, nếu bố chị có yêu cầu đơn phương ly hôn, Tòa án chỉ giải quyết nếu có các căn cứ tại Điều 56 – Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

 

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

 

Như vậy, chỉ trong các trường hợp có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được,… thì yêu cầu ly hôn của bố chị mới được Tòa án chấp nhận và giải quyết. 

 

Nếu bố và mẹ chị ly hôn, việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 59 như sau:

 

 Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

 

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

 

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

 

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

 

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

 

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

 

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

 

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

 

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Như đã tư vấn ở trên, việc chung sống như vợ chồng giữa bố bạn và “người vợ thứ hai” không được công nhận là quan hệ vợ chồng nên không phát sinh tài sản chung giữa hai người này trong quá trình chung sống, trừ trường hợp tài sản hình thành theo chế định về đồng sở hữu của Bộ luật Dân sự.

 

Những tài sản của bố chị hình thành trong thời gian chung sống như vợ chồng với người này vẫn được coi là tài sản chung trong quá trình hôn nhân với mẹ chị và được đem ra chia tài sản nếu bố và mẹ chị có ly hôn, trừ trường hợp khối tài sản này được xác định hoàn toàn là tài sản riêng của bố chị theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình và các luật khác có liên quan.

 

Về vấn đề tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong quá trình hôn nhân, chị có thể tham khảo quy định tại Điều 33 và Điều 43 – Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

 

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

 

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

 

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

 

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Bùi Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo