Luật sư Trần Khánh Thương

Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc có nên ly hôn không?

Cuộc sống hôn nhân gia đình hiện nay đang dần trở nên phức tạp và nảy sinh nhiều mâu thuẫn, một khi không thể hàn gắn và tìm được tiếng nói chung, nhiều cặp vợ chồng đã quyết định yêu cầu ly hôn. Đối với những trường hợp này, pháp luật có thể can thiệp và giải quyết như thế nào, Luật Minh Gia xin tư vấn về vấn đề này như sau:

1. Hôn nhân không hạnh phúc ly hôn được không?

Câu hỏi:

Tôi tên là Trần M, sinh năm 1995, tôi lấy chồng được 2 năm và có 1 cháu gái 15 tháng tuổi, hai vợ chồng tôi cũng không có mâu thuẫn gì nhiều, nhưng do áp lực phải lấy chồng xa nhà, nhà chồng kỹ tính với gia trưởng. Từ khi lấy chồng, tôi không cảm thấy hạnh phúc, cuộc sống quanh quẩn, trì trệ, các bạn cùng lứa có công việc, đồng nghiệp rồi ra ngoài thăm thú, bản thân tôi bị hạn chế ra ngoài, không được có tiếng nói bản thân, tôi rất chán nản và trầm cảm. Tôi luôn thường trực ý nghĩ muốn được giải thoát là li hôn, mà rất sợ phải xa con gái, trong khi tôi không có việc làm (nếu gia đình ngoại tôi có điều kiện để nuôi cháu có được không). Kính mong luật sư tư vấn giúp tôi thủ tục nếu muốn ly hôn và giành quyền nuôi con! Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất: Quyền ly hôn khi vợ/ chồng chung sống không hạnh phúc

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về các trường hợp chấm dứt quan hệ hôn nhân. Đối với trường hợp của bạn, do thông tin bạn cung cấp không nêu rõ việc bạn đã thỏa thuận về nguyện vọng muốn ly hôn với chồng bạn hay chưa? Chồng bạn có đồng ý ly hôn với bạn hay không nên chúng tôi phân tích dựa trên 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Vợ, chồng đều đồng thuận ly hôn (Ly hôn thuận tình)- Điều 55

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn là TAND cấp quận/ huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú).

Trường hợp 2: Ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ/chồng (Ly hôn đơn phương)- Điều 56

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Phía gia đình chồng không muốn bạn ra ngoài xin việc, hạn chế giao tiếp xã hội hay ép buộc thực hiện các công việc khác, đây có thể là căn cứ chứng minh chồng bạn có sự vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ học tập, làm việc...theo điều 23 Luật HN&GĐ: Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo quy định này, pháp luật cho phép vợ hoặc chồng đơn phương ly hôn. Tòa án sẽ xem xét chủ yếu căn cứ mà bên đơn phương ly hôn đưa ra. Điều luật trên quy định rằng:"hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được".

Theo quy định tại điểm a.3, mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về một trong những căn cứ cho ly hôn:

''Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.''

Như vậy, căn cứ phân tích nêu trên là một trong những căn cứ để Tòa án ra quyết định giải quyết việc ly hôn đối với vợ chồng bạn. Nếu trong trường hợp yêu cầu ly hôn chỉ đến từ phía bạn mà không có sự đồng ý từ người chồng, bạn vẫn có thể gửi đơn xin ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương). Trong đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là TAND cấp quận/ huyện nơi chồng bạn cư trú.

Thứ hai: Quyền nuôi con sau khi ly hôn đối với con dưới 36 tháng tuổi

Theo quy định tại điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo thông tin đã cung cấp, con của bạn hiện tại đang 15 tháng tuổi nên khi ly hôn bạn sẽ là người được ưu tiên nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, hiện tại bạn đang không có việc làm nên có thể sẽ ảnh hưởng đến điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Như vậy, nếu như bạn muốn giành được quyền nuôi con khi ly hôn, bạn cần chứng minh được mình có đủ điều kiện thiết yếu nhất để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con thông qua các điều kiện như: thời gian mà bạn có thể dành ra để chăm sóc con, chỗ ở của bạn sau khi ly hôn, điều kiện kinh tế của bố mẹ bạn có thể đảm bảo cho việc nuôi dưỡng con, các nguồn thu nhập phát sinh từ tài sản riêng của bạn ...

----

2. Ly hôn và khởi kiện hành vi ngoại tình như thế nào?

Câu hỏi:

Tôi và chồng tôi đã ly thân không còn sống chung với nhau hơn 2 năm nay. Lý do vì tôi biết chuyện anh ta có người khác sau lưng tôi. Đến nay tôi đã làm đám cưới và sống chung với người khác nên tôi nộp đơn ly hôn đơn phương ra tòa nhưng anh ta không đồng ý ký. Anh ta đòi kiện tôi và khiến chồng mới của tôi phải đi tù. Vậy nếu tôi kiện lại anh ta tội ngoại tình thì có được không ạ? Có giải pháp nào giúp tôi bác bỏ được đơn kiện không ạ.? Xin luật sư hãy giải đáp giúp tôi. Tôi cảm ơn.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

- Chấm dứt quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật

Theo như thông tin bạn cung cấp, mặc dù bạn và chồng đã ly thân hơn 02 năm nhưng trên giấy tờ vợ, chồng bạn vẫn là vợ chồng hợp pháp của nhau theo quy định pháp luật. Việc bạn đang có chồng nhưng có hành vi kết hôn và chung sống như vợ chồng với người khác là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014.

''Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.''

Do đó, nếu như bạn muốn kết hôn và chung sống với người khác thì bạn cần phải chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng cách thỏa thuận ly hôn với người chồng hiện tại. Trong trường hợp chồng bạn đồng ý ly hôn, bạn có thể yêu cầu TAND cấp quận/huyện nơi bạn hoặc chồng bạn đang cư trú để giải quyết ly hôn theo trường hợp ly hôn thuận tình.

Ngược lại nếu như chồng bạn không đồng ý ly hôn với bạn và bạn có chứng cứ chứng minh chồng bạn có quan hệ tình cảm với người khác trong thời kỳ hôn nhân thì bạn có thể dựa vào căn cứ này để yêu cầu TAND cấp quận/huyện nơi chồng bạn cư trú để yêu cầu giải quyết thủ tục ly hôn theo yêu cầu của bạn (ly hôn đơn phương). Khi quan hệ hôn nhân của bạn với người chồng hiện tại bị chấm dứt theo bản án/quyết định của Tòa án rồi mới được tiến hành kết hôn với người khác.

- Chế tài xử phạt hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP năm 2020 về xử phạt hành chính hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:

''1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

...''

Theo Luật HN&GĐ năm 2014, chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng (khoản 7 Điều 3).

Theo quy định trên, bạn đang có chồng nhưng lại làm đám cưới và chung sống như vợ chồng với người khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng). Nếu như người chung sống cùng bạn mà biết rõ  bạn đã có chồng mà vẫn kết hôn với bạn cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền này.

Ngoài ra, hành vi bạn chung sống như vợ chồng với người khác khi bạn chưa ly hôn chồng và làm cho quan hệ hôn nhân của hai người dẫn đến ly hôn thì bạn và người chồng mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Trường hợp bạn có căn cứ chứng minh được chồng mình có hành vi ngoại tình thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết cho bạn đơn phương ly hôn chồng với lý do chồng vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng. Chồng của bạn có quyền tố giác hành vi chung sống như vợ chồng của bạn và chồng mới đến cơ quan công an có thẩm quyền vì có dấu hiệu của Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định nêu trên. Nếu bạn muốn chồng bạn không tố giác thì bạn có thể thỏa thuận lại với chồng mình về các vấn đề liên quan để tự giải quyết quan hệ hôn nhân của mình.

---

3. Giải đáp vướng mắc về hôn nhân gia đình

Câu hỏi:

Chào luật sư! Tôi kết hôn năm 2007 hiện vợ chồng tôi có 2 cháu gái SN 201x, 202x chúng tôi đều học ĐH và công việc ổn định, chồng tôi công tác xa nhà nên con cái đều nhờ ông bà ngoại chăm giúp, vì ông bà nội ở xa. Chồng tôi là con trưởng và tính cũng rất gia trưởng, quản lý tài chính, chi tiêu trong nhà, tôi làm gì cũng phải theo đồng ý của chồng, anh bắt tôi phải theo ý của bố mẹ anh nhưng lại khinh thường và khó chịu nếu tôi đi lại thăm hỏi bố mẹ và a em nhà vợ.

Dù không ở cùng bố mẹ chồng nhưng việc gì bố mẹ chồng tôi cũng can thiệp và chửi mắng tôi như ý của anh, nhiều lần tôi bị anh đánh và chửi láo, tôi lại giữ ý và không dám to tiếng vì xấu hổ và sợ gia đình tan vỡ 2 con tôi sẽ không được đi theo mẹ nên tôi nhiều lần ra đi rồi lại nghe anh xin lỗi và nói thương vợ con muốn gia đình đoàn tụ mà tôi lại quay về. Chồng tôi không có bồ bịch mà chỉ muốn chỉ đạo vợ, không muốn đưa tiền sợ vợ tiêu hết và nhất nhất nghe theo bố mẹ đẻ nên tôi bị nhà chồng khinh thường vì vô dụng, họ chửi tôi, tôi muốn thoát khỏi cuộc sống ngục tù này, hoặc ly hôn hoặc tiếp tục để con cái được hạnh phúc bên bố mẹ. Xin cảm ơn ạ.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

- Quy định pháp luật về hòa giải trong lĩnh vực hôn nhân gia đình

Theo thông tin bạn cung cấp, cuộc sống hôn nhân của bạn thường xảy ra nhiều mâu thuẫn với chồng và gia đình chồng vì chồng bạn có tính gia trưởng chỉ muốn chỉ đạo vợ, không muốn đưa tiền sợ vợ tiêu hết và nhất nhất nghe theo bố mẹ đẻ nên bạn bị nhà chồng khinh thường và bị xúc phạm. Đối với những tranh chấp phát sinh của vợ chồng trong thời kì hôn nhân được Nhà nước khuyến khích hòa giải tại cơ sở trước khi đưa ra quyết định ly hôn.

Căn cứ quy định tại Điều 52 Luật HN&GĐ năm 2014 về khuyến khích hòa giải

''Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.''

Trước hết, bạn và chồng có thể tự hòa giải với nhau trong phạm vi gia đình, nếu không tự hòa giải được thì có thể mời gia đình hai bên cùng tham gia hòa giải để tháo gỡ những mâu thuẫn. Trường hợp hòa giải trong phạm vi gia đình không thành thì chị có quyền làm đơn đề nghị hòa giải tại cơ sơ (thôn, làng, tổ dân phố, khu phố…) để hòa giải viên giúp đỡ các bên cùng hóa giải mẫu thuẫn. Sau khi hòa giải thành mà chồng và gia đình chồng của bạn vẫn còn những hành vi vi phạm đến quyền, nghĩa vụ của vợ chồng; xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bạn thì bạn có thể cân nhắc việc yêu cầu tòa giải giải quyết cho ly hôn theo trường hợp ly hôn đơn phương.

- Quy định pháp luật về quyền đơn phương ly hôn

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 về Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

''Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.''

Việc bạn nhiều lần bị chồng và gia đình chồng kinh thường, có những lời nói xúc phạm, trầm trọng hơn là đã bị chồng đánh nhiều lần. Những hành vi trên là vi phạm nghiêm trọng tình nghĩa vợ chồng, quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm của vợ chồng. Như vậy, bạn cần chuẩn các chứng cứ chứng minh được chồng và gia đình của chồng đã có những hành vi vi phạm nêu trên trong thời kì hôn nhân của bạn gửi đến TAND cấp quận/huyện có thẩm quyền nơi chồng bạn đang cư trú để giải quyết cho ly hôn theo quy định pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo