Trần Phương Hà

Con trên 36 tháng tuổi thì bố có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Luật sư tư vấn về quyền nuôi con sau khi ly hôn. Nội dung như sau: Hiện tại em đang trong hoàn cảnh vợ chồng mâu thuẫn về nơi sống và cách sống. Em muốn ly hôn với chồng vì không tìm được quan điểm sống chung. Hai vợ chồng luôn cãi nhau khi nói chuyện.Con em mới tròn 5 tháng. Hiện tại chồng em đang đi làm ở khu công nghiệp lương 6trieu/tháng, khi tăng ca cũng được khoảng 7 triệu. Hiện chồng em sống cùng bố mẹ ở quê và muốn ở quê sống. Còn em gia đình ngoại ở thành phố và em muốn 2 vợ chồng ở phố

 

Chồng em chỉ trả tiền thuê nhà mỗi tháng 1triêu VND. Trong khi tiền đi khám thai tiền ăn là của em. Sau khi sinh em vẫn đưa chồng em tiền sinh hoạt hàng tháng mặc dù em đã nghỉ làm nhưng em có tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền thai sản.Hiện tại, về học vấn. Em và chồng em đều bậc đại học. Chồng em bằng trung bình. Em có bằng giỏi và có khả năng tiếng anh tốt thu nhập trước kia là 8 triệu/tháng, hiện em đang ôn tiếng anh để đi dạy nhưng em vẫn có 20 triệu để nuôi con trong lúc chờ việc và đang sống ở nhà ngoại. Con em đủ 6 tháng em sẽ đi làm và hướng tới công việc có thể về trưa để cho con bú vì con em bú sữa mẹ hoàn toàn.Tất cả vấn đề tài chính lo cho con em sau sinh về quần áo và tiêm phòng dịch vụ đều là tiền của em.thậm chí cả tiền ăn em cũng đưa hàng tháng cho chồng và mẹ chồng hồi em ở nhà chồng 2 tháng đầu sau sinh.Chồng em theo đạo thiên chúa thường xuyên đi lễ và đi học hát ca đoàn. Một tuần đi 3-4 buổi. Học hát sớm nhất 10h tối về.có những hôm 12h đêm mới về trong khi không có thời gian bế con những ngày đó. Ngay cả khi con em chưa được một tháng tuổi. Chỉ bế con những ngày không đi học hát hay đi lễ. Em cho rằng đó không phải là người bố thương con và có trách nhiệm. Bây giờ bố mẹ chồng em đòi cháu trong khi không nuôi em và cháu được ngày nào.Xin luật sư tư vấn giúp em.

Vậy nếu em ly hôn em có quyền nuôi con trực tiếp không ạ? Và nếu đủ 36 tháng chồng em có thể thay đổi quyền nuôi con trực tiếp được không ạ?Em cảm ơn.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom , chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau

 

''Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

 

Đối với trường hợp của bạn, con bạn dưới 36 tháng tuổi nên bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con khi giải quyết ly hôn. Khi con bạn đủ 36 tháng tuổi, bố đứa bé có thể  yêu cầu thay đổi người nuôi con trực tiếp. Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người nuôi con trực tiếp khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể:

 

"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

 

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

 

a) Người thân thích;

 

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

d) Hội liên hiệp phụ nữ."

 

Như vậy, nếu có căn cứ về việc bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con : Ví dụ như điều kiện về mặt vật chất, thời gian chăm sóc con... thì Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Phương Hà- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo