Phạm Diệu

Có được thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn không?

Dạ, xin chào luật sư! Em muốn hỏi luật sư về vấn đề giành lại quyên nuôi con sau ly hôn như sau. Em là gì ruột của cháu trai.Cháu trai của em năm nay 5 tuổi, bố mẹ cháu đã hoàn tất thủ tục ly hôn vào tháng 07.2017 vừa rồi. Theo như Quyết định của toà, chị gái e nuôi cháu gái dưới 3 tuổi, còn cháu trai ở với bố. Hiện tại, anh rể đang tiếp tục công tác tại BB, cháu trai để lại quê cho ông bà nuôi giữ, hầu như ít về thăm cháu.

Hàng tháng anh rể chỉ gửi tiền sinh hoạt về chứ k về thăm( cháu trai ở NT). Trước đây, bố mẹ cháu và bên nội không hợp,  nên suốt quá trình  cháu  lớn  lên, ông bà nội chỉ ghé thăm được vài lần, cháu  cũng chỉ ở với bố  mẹ  và  ông  bà ngoại, chưa  từng  sống  cùng  ông  bà  nội, do đó tình cảm rất lạnh lẽo.Sau khi bố mẹ cháu ly hôn, bên ngoại vì nhớ cháu nên thường lên thăm và xin thỉnh thoảng đón cháu về chơi. Tuy nhiên càng về sau càng khó khăn, vì bố cháu và bên nội không muốn cho cháu tiếp tục qua lại với bên ngoại. Hơn thế nữa, bên nội còn có cách giáo dục k tốt cho cháu, như kể những vấn đề người lớn cho cháu nghe, bịa đặt chuyện mẹ cháu theo người khác bỏ cháu ( trong khi mẹ cháu thực tế k qua lại với người khác) dùng sự nghiêm ngặt thái quá của người lớn áp đặt cho cháu để cháu nghe lời...Những lần về chơi với ngoại, cháu rất vui vẻ, linh hoạt, luôn hỏi khi nào thì gì lên đón nữa, nhưng chỉ cần về tới cổng nhà nội là cháu trở nên im bặt, dè chừng. Khi nhắc về mẹ và em gái, cháu nói đừng nhắc tới vì ông bà nội nói mẹ là người xấu, bỏ bố và con đi theo người khác, cháu mà nhắc tới sẽ bị la, bị đánh. Trong khi mẹ cháu luôn tạo điều kiện cho con gái  và  bố qua lại, cư  xử  văn minh sau ly hôn với chồng, thì bố cháu và bên nội lại tuyệt đối k cho mẹ cháu thăm nom, hỏi han, đồng thời gây khó khăn và cản trở cháu duy trì tình cảm với mẹ, em gái và bên ngoại. Gia đình hai bên có cãi cự về vấn đề này rồi nhưng k thay đổi được gì.Gia đình em rất thương cháu, chị gái em cũng muốn dành lại quyền nuôi con. Về thu nhập, chị gái em có cv và lương cao hơn anh rể. Chị cũng sống cùng con, chứ k thường xuyên đi làm xa k có điều kiện ở với  con như bố cháu.Gia đình em lo lắng rằng để cháu ở với ông bà nội với môi trường giáo dục không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và đời sống của cháu sau này. Vậy luật sư cho em hỏi, nếu chị gái em dành lại quyền nuôi con thì có được không? Nếu khả năng dành lại con là rất nhỏ, thì cần chuẩn bị những yếu tố gì để có lợi cho quá trình đấu tranh giành quyền nuôi con sau này. Em chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hành vi cản trở, gây khó khăn khi thăm con

Theo Điều 82, Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Điều 83 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

1.Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định về nghĩa vụ của cha mẹ; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.  

2.Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo như thông tin chị cho biết, hiện tại bố và gia đình bên nội có hành vi cản trở, gây khó khăn cho mẹ và gia đình ngoại thăm nom, chăm sóc với cháu lớn. Việc ngăn cản, gây khó khăn như vậy là hành vi vi phạm quy định pháp luật, do đó trong trường hợp này, gia đình có thể khai báo trực tiếp tới chính quyền địa phương nơi người cháu đang cư trú để kịp thời can thiệp và xử lý hoặc gia đình có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn.

Ngoài ra, hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, còn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Thứ hai, về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con

Tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp có yêu cầu của người mẹ thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có căn cứ sau:

+) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

+) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, vợ và chồng có thể thỏa thuận với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Trường hợp, người chồng không đồng ý thay đổi người trực tiếp nuôi con thì người vợ (chị gái của chị) cần phải chứng minh người chồng không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, môi trường giáo dục không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý của con. Ở đây, người vợ có thể chứng minh bằng việc: người chồng đi làm xa không trực tiếp chăm sóc con; về thu nhập của chồng; về môi trường sống không tốt…Đồng thời, người vợ phải cung cấp những bằng chứng để chứng minh căn cứ mình đưa ra.

Tòa án sẽ tiến hành xem xét những căn cứ người vợ đưa ra, có thay đổi được người trực tiếp nuôi con hay không phụ thuộc vào việc chứng minh của người vợ. Trường hợp những căn cứ đó là hợp lý và có cơ sở thì có thể Tòa án sẽ ra quyết định về thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Về hồ sơ thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm:

- Đơn khởi kiện (theo mẫu);

- Bản án/Quyết định ly hôn;

- Sổ hộ khẩu, CMND của hai bên vợ chồng (bản sao chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);

- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo