Cà Thị Phương

Có được để con theo họ mẹ sau khi ly hôn không?

Luật tư tư vấn đề Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, cấp dưỡng sau ly hôn, quyền của người không trưc tiếp nuôi con và vấn đê thay đổi họ tên cho con sinh sau khi ly hôn. Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi tư vấn:  Kính gửi văn phòng luật sư Mình Gia tôi xin trình bày sự việc sau và mong bên luật sư có thể giải quyết thắc mắc cho mình. Vợ chồng mình lấy nhau được hơn 1 năm và có 1 đứa con chung hơn 1 tuổi. Hiện tại mình đang có bầu 3 tháng , thì gia đình mình xảy ra mâu thuẫn vợ chồng. Chồng mình đòi ly dị nhưng vẫn chưa gửi đơn ra toà. Bản thân mình ở nhà chăm con hơn 1 năm nay giờ lại bầu tiếp nên không có việc làm. Mình nhận chăm đứa con 1 tuổi nhưng với điều kiện là cần bố nó trợ cấp nhưng chồng mình không chịu trợ cấp nên mình đưa lại đứa bé cho chồng mình trông nom. Chồng mình nói rằng nếu mình không có tiền, không lo được cho con sẽ không cho mình gặp con. Đứa bé trong bụng mình thì mẹ chồng và chồng bắt phá thai nếu mình cố tình đẻ thì mình tự nuôi vì không còn ở với nhau nữa. Vậy mình muốn hỏi, nếu đứa bé trong bụng mình quyết định đẻ mà không cần chồng có trách nhiệm và muốn lấy họ nhà mình thì phải làm thế nào?  Mình sợ trường hợp xấu nhất là khi mình đẻ xong mẹ chồng mình và chồng tới cướp đứa bé giành quyền nuôi và lấy họ bên đấy. Mong luật sư giải đáp giúp mình với . Mình xin chân thành cám ơn 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng Công ty luật Minh Gia,  nội dung bạn hỏi chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.

 

Quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn cụ thể như sau:

 

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

 

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

 

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

 

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

 

Như vậy, chồng của bạn không có quyền yêu cầu ly hôn khi bạn đang mang thai. Tuy nhiên nếu việc tiếp tục chung sống với chồng mà bạn mà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn và đứa con trong bụng thì bạn có quyền nộp đơn xin ly hôn và tòa án sẽ thụ lý và giải quyết theo yêu cầu của một bên theo Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

 

Thứ hai, về quyền nuôi con sau ly hôn

 

Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có qui định:

 

“Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại vợ chồng bạn có 1 con chung 1 tuổi bạn đang bầu 3 tháng. Do đó căn cứ theo qui định trên thì bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con vì con bạn dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp nếu bạn không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì vợ chồng bạn có thể thoả thuận để chồng bạn trực tiếp nuôi con.

 

Thứ 3, đối với vấn đề cấp dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn

 

Khi ly hôn nếu người cha không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con để đảm bảo cho cuộc sống của con và thực hiện nghĩa vụ của cha đối với con. (trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác) quy định này của pháp luật nhằm bảo vệ quyền của trẻ em. Điều này được qui định tại Điều 81 Luật hôn nhân va gia đình 2014.

 

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

 

Như vậy, theo qui định trên thì nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc đối với người không trực tiếp nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con sẽ do bạn và chồng bạn thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

Trong trường hợp bạn không trực tiếp nuôi con thì chồng bạn cũng không được phép ngắn cấm bạn gặp con bởi theo qui định của pháp luật thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm con mà không ai được cản trở. Điều này qui định rõ tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

 

“3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”

 

Ngoài ra tại Khoản 2 Điều 83 Luật này cũng qui định rõ: “2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

 

Do vậy, dù chồng bạn trực tiếp nuôi con thì bạn vẫn có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở. Em bé ở trọng bụng bạn sau này bạn sinh ra chồng bạn cũng không thể giành quyền nuôi được (con dưới 36 tháng tuổi mẹ sẽ trực tiếp nuôi). Nếu sau này các con của bạn đủ 36 tuổi mà chồng bạn muốn giành quyền trực tiếp nuôi thì chồng bạn sẽ phải Nộp đơn yêu cầu toà án thay đuổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn chứ không được tới giành và bắt cháu đi được nếu chưa được sự đồng ý của bạn.

 

Thứ tư, đối với vấn đề khai sinh cho con sau khi ly hôn

 

Căn cứ theo Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam có qui định:

 

“Điều 88. Xác định cha, mẹ

 

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

 

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

 

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

 

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”

 

Theo qui định trên thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân và còn được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con chung của vợ chồng. Do đó khi làm Giấy khai sinh cho con thì bạn phải ghi đầy đủ tên họ của cha và mẹ. Họ của con được xác định theo Khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015: "2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ".

 

Vì vậy, trong trường hợp này việc đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ phải được sự đồng ý của người cha, nếu không thỏa thuận được thì họ của con được xác định theo tập quán.

 

Trân trọng.

P. Luật sư Hôn nhân gia đình - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo