Luật sư Trần Khánh Thương

Có đòi lại được tiền khi đã cho chồng vay hay không?

Hiện nay pháp luật cho phép vợ, chồng có tài sản riêng trong thời kì hôn nhân. Chế độ tài sản vợ chồng do hai bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, hình thức về thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng phải tuân theo quy định pháp luật, nếu không, thỏa thuận này coi như vô hiệu. Trên thực tế hiện nay, nhiều cặp vợ chồng thường chỉ thỏa thuận bằng miệng hoặc không nắm được các quy định pháp luật về tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng là căn cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng hoặc giữa vợ, chồng với người thứ ba.

1. Tài sản và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân

Theo suy nghĩ của đại đa số người dân, sau khi kết hôn, tài sản sẽ trở thành tài sản chung. Do đó, dẫn đến nhiều trường hợp lầm tưởng hoặc không xác định được các nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của hai bên. Pháp luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay cho phép vợ chồng có tài sản riêng và cũng có quy định để xác định tài sản riêng trong thời kì hôn nhân.

Do đó, đối với tài sản chung, vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và chịu trách nhiệm chung về tài sản đó. Đối với tài sản riêng, vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và chịu trách nhiệm riêng về tài sản đó mà không cần sự đồng ý của người kia. Tuy nhiên, về bản chất, hôn nhân là sự chung sống, vợ chồng và con cái đều có nghĩa vụ với nhau. Do đó, pháp luật có những quy định về những trường hợp về định đoạt tài sản riêng phải bắt buộc có sự đồng ý của người kia để đảm bảo quyền lợi ích của cả gia đình nói chung. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống hôn nhân, đặc biệt là khi phát sinh các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên đối với tài sàn.

2. Có đòi lại được tiền đã cho chồng vay hay không?

Nội dung câu hỏi: Vợ chồng tôi đang có quyết định li hôn do chồng ngoại tình về nhà liên tục khó chịu với vợ con. Chúng tôi đã có đến 3 đứa con: 2 nữ 1 nam. Và tiền vợ chồng có quỹ riêng, thi thoảng nhà có việc vợ chồng mới đóng tiền chung vào để làm. Trong thời gian tôi chưa phát hiện sự lừa dối của chồng, tôi đã gom góp 40 triệu đưa cho chồng vay để cho anh làm ăn.

Nhưng anh không thực hiện kế hoạch làm việc mà chi tiêu hoang phí. Chúng tôi còn có ghi giấy nợ rằng chồng có vay tôi tiền rồi sẽ trả. Tôi muốn hỏi khi li hôn tôi có thể đòi lại số tiền chồng đã vay không? Quy định thế nào? Tôi xin chân trọng cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến công ty chúng tôi, trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Theo quy định này, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng phải được lập trước thời điểm kết hôn, lập thành văn bản và có công chứng chứng thực. Theo như thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn có quỹ riêng, thi thoảng nhà có việc vợ chồng mới đóng tiền chung vào để làm. Như vậy, thỏa thuận về quỹ riêng của hai vợ chồng bạn phải được lập thành văn bản trước khi kết hôn, có công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực. Lúc đó, tiền quỹ riêng của hai vợ chồng mới được xác định là tài sản riêng. Tuy nhiên theo bạn trình bày, bạn không để cập đến việc vợ chồng bạn lập thỏa thuận về chế độ tài sản theo quy định pháp luật. Nếu việc thỏa thuận này chỉ được thỏa thuận miệng giữa hai vợ chồng thì không có hiệu lực pháp luật. Tức là, tài sản được gọi là “quỹ riêng của vợ chồng” đều tính là tài sản chung.

Thứ hai, quy định pháp luật về tài sản chung của vợ chồng

Điều 33 LHN&GĐ quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Điều 37 Luật này quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan

Theo quy định trên, vợ chồng có nghĩa vụ chung từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Như trên đã phân tích, nếu số tiền tiền quỹ riêng của vợ chồng này được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thì đây được xác định là tài sản chung. Do đó, trong trường hợp chị muốn đòi lại số tiền này từ chồng thì chị phải chứng minh được đây là tài sản riêng của mình trong thời kỳ hôn nhân. Theo thông tin chị cung cấp, số tiền 40 triệu này được tích góp trong thời kỳ hôn nhân, thỏa thuận số tiền này là tài sản riêng của hai vợ chồng chị không có giá trị pháp luật. Do vậy, trong trường hợp này có căn cứ xác định số tiền 40 triệu đó là tài sản chung của vợ chồng bạn và sau khi chồng bạn vay thì số tiền vay được đó vẫn là tài sản chung. Nếu đặt ra nghĩa vụ trả nợ thì hai vợ chồng bạn đều có nghĩa vụ chung, việc này chẳng khác gì việc trả nợ cho chính mình. Do đó, việc chồng bạn vay tiền là không có giá trị pháp lý. Khi ly hôn, bạn không có cơ sở để yêu cầu chồng trả nợ mà chỉ có thể yêu cầu phân chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo