Phạm Diệu

Chia tài sản và thực hiện cấp dưỡng như thế nào khi ly hôn?

Luật sư tư vấn giúp tôi về vấn đề chia tài sản và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn như sau: Tôi lấy vợ vào năm 2011 và có một đứa con năm nay 6 tuổi đến năm 2017 vợ tôi theo người đàn ông khác do vậy tôi phải buộc ly hôn hiện tại tôi làm phó bí thư đoàn xã thu nhập một triệu ba trăm nghìn đồng trên tháng trong khi đó tôi phài trợ cấp một tháng là một triệu năm trăm nghìn đồng ngoài khả năng của tôi

 

Trong khi ly hôn tôi không yêu cầu tòa giải quyết về tài sản chung chi thỏa thuận hai bên tài sản chung là một trăm triệu và một chiếc xe lean xe đó vợ tôi đứng tên cồn tiền mặt tôi cho họ hàng vvay tôi đứng tên  giấy tờ vợ tôi giữ tôi muốn phần chia lại tài sản trên thì phải làm thế nào? xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề cấp dưỡng

 

Căn cứ tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:

 

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

 

Về mức cấp dưỡng tại Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

 

Điều 116. Mức cấp dưỡng

 

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

Hiện tại pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và đương nhiên những chi phí này là chi phí hợp lý. Như vậy, đối với trường hợp của anh, trước tiên hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng cho con dựa trên căn cứ thu nhập của anh và nhu cầu của con. Trường hợp, không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án quyết định mức cấp dưỡng.

 

Thứ hai, chia tài sản khi ly hôn

 

Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

 

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

 

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

 

Căn cứ vào thông tin anh cho biết, hiện tại hai vợ chồng đã thỏa thuận tài sản chung bao gồm: 100 triệu, 1 chiếc xe lead và một số tiền cho họ hàng vay.

 

Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:

 

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

 

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”.

 

Như vậy, vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, đó là: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung…

 

Do đó, trường hợp nếu vợ chồng anh có tranh chấp về tài sản, khi có yêu cầu Tòa án sẽ xem xét và đưa ra quyết định phân chia. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo