Trần Tuấn Hùng

Chia tài sản và quyền nuôi con sau khi ly hôn

Đầu tiên xin chào luật sư... tôi kết hôn với chồng tôi hơn 1 năm và có con gái 3 tháng tuổi, do mâu thuẫn vói mẹ chồng và tôi chịu đựng không nổi gia đinh chồng nên tôi muốn ly hôn, xin được tư vấn...

Hiện tại thì tôi chưa chuyển hộ khẩu về nhà chồng và lúc kết hôn mẹ ruột tôi cho tôi 1.5 lượng vàng và bên nhà ck cho 4 lượng vàng, tôi hỏi nếu tôi đòi ly hôn số vàng bên chồng cho có trả lại không, và tôi có được nuôi con không (nếu tôi nuôi con tôi đi khai sanh con tôi họ của tôi được không) xin chân thành cảm ơn

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Về: Tài sản sau khi ly hôn.

Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn:

“…Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.

Như vậy trường hợp bạn và chồng bạn có thỏa thuận về khối tài sản này thì việc giải quyết sau khi ly hôn sẽ áp dụng theo thỏa thuận đó.

Trường hợp không có thỏa thuận, nếu bạn chứng minh được số vàng mà mẹ bạn cho hoặc bên nhà chồng cho là của mình thì sau khi ly hôn, tài sản này thuộc quyền sở hữu của bạn. Nếu không chứng minh được thì đây sẽ là tài sản chung và sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật.

Quyền nuôi con sau khi ly hôn.

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn (Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ,quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Như vậy con bạn mới 3 tháng tuổi nên được giao cho bạn trực tiêp nuôi, trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc bạn và chồng bạn có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Làm giấy khai sinh cho con.

Mục II, khoản 1, điểm e Thông tư số 01/2008/TT-BTP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định rõ về việc xác định họ và quê quán như sau:

“Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ”.

Sau khi ly hôn, cả bạn và chồng bạn đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với con. Do đó trường hợp làm giấy khai sinh theo họ cha hay mẹ đều phải có sự thỏa thuận, đồng ý của cả cha và mẹ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo