Hoàng Thị Kim Lý

Chia tài sản là quyền sử dụng đất sau khi ly hôn của vợ chồng.

Luật sư tư vấn miễn phí qua email trường hợp hỏi về vấn đề chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất và các vẫn đề pháp lý có liên quan như sau:

Câu hỏi tư vấn: Vợ chồng tôi dẫn đến việc ly hôn là do chồng tôi ngoại tình và muốn ly hôn với tôi để kết hôn với người phụ nữ khác. Chúng tôi có 2 con chung, anh ấy chấp nhận sang tên nhà đất và để các con lại cho tôi nuôi nấng. Vì mới xây nhà nên chúng tôi còn 1 khoản nợ lớn, anh ấy thống nhất là sang tên nhà đất cho tôi để tôi một mình trả nợ. Thủ tục nhà đất đã chuyển xong. Nhưng trong khi đợi Tòa giải quyết thì anh ấy lại đòi chia nhà, chia xe máy (Xe đăng ký tên tôi) và các đồ dùng trong nhà. Vậy xin Luật sư tư vấn cho tôi một số vấn đề sau:

1. Nhà đất khi đã sang tên tôi xong rồi anh ấy có quyền đòi chia tài sản trước Tòa được không (Vì anh ấy nói nếu không được chia trước tòa anh ấy sẽ phá nhà, vậy nếu anh ta phá nhà tôi, tôi có quyền tố cáo anh ấy không? Căn cứ pháp lý là gì?

2. Xe máy đăng ký tên tôi, khi ra tòa có bị chia không? Còn về 2 con, tôi xin được nuôi cả 2 chú và anh ta đồng ý, nhưng về phần trách nhiệm trợ cấp anh ta yêu cầu không ghi vào bản án mà tùy thuộc vào tình cảm của anh ta với con chúng tôi để anh ta cho con tôi như thế nào là tùy anh ấy, đúng hay sai Tôi xin trân trọng cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Về nhà đất, theo thông tin bạn đưa ra thì nhà đất được hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”. Như vậy, nếu đất không có nguồn gốc từ tặng cho riêng hoặc thừa kế thì sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng bạn.

Bạn đưa không rõ thông tin là nhà đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chồng bạn trước đó hay là đất chưa làm giấy chứng nhận, và theo thỏa thuận với chồng bạn, bạn là người đứng tên đầu tiên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nên, có trường hợp như sau:

Một, đất đó mới được hình thành, bạn là người đứng tên trên giấy chứng nhận đầu tiên.

Khoản 4 Điều 99 Luật đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 001-07-2014 có quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”.

Như vây, căn cứ vào Luật đất đai, từ thời điểm 01-07-2014, nếu bạn đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì buộc phải có văn bản thỏa thuận của chồng bạn về việc cho một mình vợ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thỏa thuận này có thể là thỏa thuận đây là tài sản chung của cả hai vợ chồng nhưng do vợ đứng tên hoặc thỏa thuận nó thuộc tài sản riêng của bạn.

- Nếu là thỏa thuận tài sản chung nhưng do vợ đứng tên thì nhà đất vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Chồng bạn hoàn toàn có quyền với ½ giá trị quyền sử dụng đất và có quyền yêu cầu Tòa án chia phần tài sản này.

- Còn nếu thỏa thuận là tài sản riêng mang tên bạn thì nhà đất trên là thuộc quyền của riêng bạn. Chồng bạn không có quyền đòi chia phần tài sản này.

- Còn nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước 01-07-2014 thì dù đứng tên một người vẫn là tài sản chung của cả hai vợ chồng và mỗi người có quyền ngang nhau.

Nhưng dù nhà đất này là tài sản của riêng bạn hay tài sản chung của vợ chồng bạn, khi chồng bạn có hành vi đập phá nhà, gây thiệt hại thì bạn hoàn toàn có quyền tố cáo chồng bạn vi hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi 2009:

1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b)  Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Hai, nhà đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chồng bạn trước đó và chồng bạn đồng ý chuyển sang tên cho bạn.

Trường hợp này, để sang tên thì chồng bạn buộc phải có văn bản tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất cho bạn. Văn bản này phải có công chứng. Lúc này khi nhà đất mang tên bạn thì sẽ là tài sản riêng của bạn. Chồng bạn không có quyền tài sản với mảnh đất và nhà trên nữa.

Nếu hai bên chỉ thỏa thuận miệng để chồng bạn sang tên giấy tờ nhà đất cho bạn thì việc tặng cho này bị vô hiệu. Chồng bạn có quyền yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng này. Khi hợp đồng tặng cho vô hiệu thì dẫn theo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng  đất cũng sẽ bị hủy theo. Tài sản vẫn thuộc tài sản chung của hai người. Chồng bạn có quyền yêu cầu đòi lại ½ giá trị quyền sử dụng đất và căn nhà.

Về tài sản là chiếc xe, căn cứ theo Điều 33 Luật hôn nhân gia đình nêu trên “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.

Vậy nên, nếu chiếc xe hình thành trong thời kì hôn nhân, không có thỏa thuận là tài sản riêng thì dù mang tên bạn nhưng vẫn xác định là tài sản chung của hai vợ chồng.

Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con,

Điều 82 Luật hôn nhân gia đinh 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Hai bạn có thể thỏa thuận về việc không yêu cầu Tòa giải quyết trơ cấp cho con. Tuy nhiên, vấn đề này có thể dẫn đến hệ quả là người cha không tự nguyện cấp dưỡng cho con hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu ban đầu không yêu cầu giải quyết vấn đề cấp dưỡng thì khi một người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có quyền yêu cầu Tòa giải quyết và Tòa sẽ buộc người vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ. VÌ vậy, để đảm bảo quyền lợi cho con, bạn nên yêu cầu Tòa giải quyết và ghi vào bản án nghĩa vụ cấp dưỡng của người cha.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo