Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bị vu khống ngoại tình có đủ điều kiện nuôi con dưới 36 tháng tuổi?

Luật sư cho tôi hỏi vấn đề ly hôn và nuôi con dưới 3 tuổi như sau: Vợ chồng tôi kết hôn từ năm 2007 và có một bé gái 17 tháng tuổi. Tôi là giáo viên, còn chồng tôi không có công ăn việc làm ổn định lại hay cờ bạc. Gần đây vợ chồng tôi nảy sinh mâu thuẫn, vì tôi đang ở nhà mẹ đẻ từ khi con tôi được một tháng tuổi để tiện cho việc đi làm (nhà chồng tôi ở xa cơ quan tôi).

Gia đình chồng cho là tôi ở nhà mẹ đẻ để tiện cho việc bồ bịch. Tôi đã gửi đơn thuận tình ly hôn và được tòa thụ lý, sẽ giải quyết trong nay mai. Xin hỏi tôi có được quyền nuôi con không nếu gia đình chồng vu khống tôi ngoại tình (không có bằng chứng)?

nuoi-con-jpg-18082014101331-U16.jpg

Tư vấn quy định về quyền nuôi con dưới 3 tuổi

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi thắc mắc của mình đến Luật Minh Gia. Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Khi ly hôn, vấn đề về quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con cái được quyết định dựa trên những lợi ích tốt nhất có thể đối với đứa trẻ như điều kiện về kinh tế, giáo dục, y tế, sự quan tâm của cha mẹ…

Tại khoản 2,3  Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

“ 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Trường hợp của bạn có bé gái 17 tháng tuổi. Do đó, nếu bạn và chồng bạn không có thỏa thuận nào về việc nuôi con thì Tòa án sẽ giao cho bạn được trực tiếp nuôi con. Việc bạn có ngoại tình hay không sẽ không ảnh hưởng đến quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Khi đó, chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi cháu đủ 18 tuổi.

- Con dưới 36 tháng tuổi, bố mẹ ly hôn ai có quyền được trực tiếp nuôi con?

Câu hỏi: Kính gửi Công ty Luật Minh Gia. Được biết công ty có hỗ trợ tư vấn pháp luật về hôn nhân & gia đình cho những ai có vướng mắc. Nay tôi đang gặp vấn đề về việc nuôi con sau khi ly hôn, rất mong công ty giúp đỡ. Tôi kết hôn và sinh được 01 con trai, hiện cháu chỉ mới 10 tháng tuổi. Chúng tôi lấy nhau mới được 02 năm nhưng tôi nhiều lần thường xuyên bị chồng đánh đập và bị gia đình chồng mắng nhiếc, bảo tôi không xứng với gia đình họ ngay cả khi tôi còn trong thời gian ở cữ sau khi sinh con. Cũng có 1 lần tôi cãi lại, mẹ chồng nói tôi hỗn láo, muốn 2 vợ chồng tôi ly hôn và không cho tôi nuôi con. Tôi được biết tòa sẽ xem xét điều kiện vật chất và tinh thần của cả 2 bên để quyết định ai sẽ được trực tiếp nuôi con. Tôi hiện chỉ mở quán nước tại nhà, thu nhập không ổn định. Chồng tôi tiệm kinh doanh nhưng cũng không thường xuyên có khách. Xét về hoàn cảnh gia đình 2 bên thì gia đình chồng có điều kiện hơn tôi. Hơn nữa, con tôi lại bị chứng dị tật lồng ngực bẩm sinh, phải chờ đến 7 tuổi mới có thể mổ ghép. Tôi sợ rằng điều này sẽ làm giảm khả năng tôi được nuôi con nếu ly hôn. Mong Công ty tư vấn giúp cho trường hợp của tôi. Chân thành cảm ơn Quý Công ty!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn (đã trích dẫn tại phần tư vấn trên).

Căn cứ theo quy định trên, khi ly hôn vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án xem xét ra quyết định. Tòa án sẽ xem xét ai là người trực tiếp nuôi con dựa vào việc xem xét quyền lợi về mọi mặt của con, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Ngoài ra, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Theo thông tin bạn cho biết, vợ chồng bạn có 1 bé trai, hiện tại cháu được 10 tháng tuổi. Về nguyên tắc, Tòa án sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, bạn cần chứng minh bạn hoàn toàn đủ điều kiện cơ bản để nuôi con: điều kiện về nhân thân (nhân thân tốt, chưa có hành vi vi phạm pháp luật…); sức khỏe tốt đảm bảo chăm sóc con; điều kiện về tài chính (thu nhập hàng tháng ổn định, lâu dài, đảm bảo về việc chăm lo cho con…). Ngoài ra, bạn có thể chứng minh thêm các yếu tố như: môi trường sống, thời gian chăm sóc con..vv. Trên cơ sở những căn cứ mà bạn chứng minh được, Tòa án sẽ xem xét và quyết định giao con cho bạn trực tiếp nuôi.

Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thăm nuôi con:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn quyền nuôi con khi ly hôn để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo