Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bạo lực gia đình có thể là căn cứ yêu cầu ly hôn không?

Luật sư tư vấn trường hợp hỏi về căn cứ yêu cầu ly hôn do bạo lực gia đình, cụ thể nếu người vợ thường xuyên bị đánh đập thì có thể làm đơn yêu cầu ly hôn đơn phương được không? Hành vi bạo lực gia đình có bị xử phạt không? Các vấn đề này được quy định chi tiết như sau:

1. Căn cứ yêu cầu ly hôn do bị bạo lực gia đình có được không?

Câu hỏi: Bố mẹ cháu công tác tại 1 nơi, nên xa quê, và bây giờ đã mua nhà ở nơi công tác, nhưng hộ khẩu chỉ đứng tên 4 mẹ con cháu còn hộ khẩu của Bố cháu ở quê. Vài năm gần đây Bố cháu chơi bời hay đánh đập mẹ cháu, lần gần đây nhất  đã dùng chai đập vào đầu , vào người mẹ cháu, còn cầm dao đuổi đánh. Giờ đây nguyện vọng của mẹ con cháu chỉ mong được sống bên nhau, muốn giải quyết ly hôn thì cần phải làm những thủ tục gì thưa Luật sư. Và gia đình cháu nếu báo với Chính quyền địa phương thì họ có giải quyết như thế nào? hay chỉ nhắc nhở? Cháu xin chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời: Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

Theo Điều 51 Luật HNGĐ năm 2014 về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình có quy định:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Căn cứ vào quy định của pháp luật, vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, đặc biệt theo Khoản 2 có thể hiện rõ "là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng gây ra..."  Nên có thể con là căn cứ yêu cầu ly hôn. Thời gian để Tòa án giải quyết vụ án ly hôn kéo dài từ 2 tháng đến 6 tháng. Đơn xin ly hôn sẽ được gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi nguyên đơn hoặc nơi bị đơn cư trú (ly hôn đơn phương/yêu cầu của một bên).

Để thực hiện thủ tục ly hôn cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản chính);

+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

+ Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);

+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

+ Đơn xin ly hôn.

Đối với hành động đánh đập vợ có thể bị xử lý hành chính hoặc nếu khi thương tích lên đến 11% thì người chồng có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau :

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: ..."

2. Tư vấn về ly hôn theo yêu cầu của một bên không có hành vi bạo lực gia đình

Nội dung yêu cầu tư vấn: Vợ em sinh năm 2002, em sinh năm 1998, em và vợ em sống chung với nhau bên gia đình vợ và sinh đứa con đầu vào năm 2018 đứa thứ 2 vào năm 2020 cho đến gần cuối năm 2021 em phát hiện vợ e ngoại tình và còn đòi muốn ly hôn. 

Trong khi đó từ lúc sống với nhau không hề có hành vi đánh đập hay bạo lực mà cô ấy chỉ vì thương người đàn ông khác mà muốn ly hôn. Mà em thì không muốn vì còn thương vợ thương con. Nếu cô ấy vẫn cứ đơn phương ly hôn vậy có được không? Rồi e có bị khép vào tội hình sự không? Vì lúc đó 2 bên đều đồng ý chứ không có sự ép buộc. Mong Luật Sư tư vấn giúp!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự

Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

"1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

[…]

d) Làm nạn nhân có thai;

[…] 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo thông tin bạn cung cấp thì vợ bạn sinh năm 2002 và hai bạn đã có con vào năm 2018, như vậy, cần phải xác định thời điểm hai người thực hiện hành vi quan hệ tình dục thì độ tuổi của vợ bạn như thế nào? Có 2 trường hợp sau:

+ Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi quan hệ tình dục, vợ bạn chưa đủ 16 tuổi (đủ ngày, tháng, năm sinh) và bạn đủ 18 tuổi thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cấu với trẻ em (thuận tình). Trách nhiệm hình sự sẽ đặt ra theo Khoản 2 Điều 115 Bộ luật hình sự (làm nạn nhân có thai).

+ Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi quan hệ tình dục, vợ bạn đã đủ 16 tuổi nếu việc giao cấu đó là thuận tình thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Thứ hai, về việc ly hôn đơn phương

Theo thông tin bạn cung cấp, thì thời điểm 2 vợ chồng bạn có con đầu tiên (năm 2017) thì vợ bạn dưới 18 tuổi nên sẽ không đủ điều kiện để đăng ký kết hôn theo Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên). Như vậy, cần phải xác định vợ chồng bạn đến nay đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay chưa?

+ Trường hợp đã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Trường hợp này sẽ được pháp luật công nhận là vợ chồng, nên việc ly hôn sẽ thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Tại Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình quy định 2014: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”

Như vậy, vợ bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, việc Tòa án cho ly hôn thì cần phải đảm bảo được nguyên tắc theo Khoản 1 Điều 56 Luật HN&GĐ 2014: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Như vậy, trong trường hợp này nếu vợ bạn muốn ly hôn thì thì sẽ chứng minh rằng chính vợ bạn đã vi phạm nghĩa vụ của vợ, chồng là không chung thủy là cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài,...  thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn.

+ Trường hợp chưa làm thủ tục đăng kết hôn. Trường hợp này hai bạn sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng theo quy định tại các Điều 14, 15, 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể:

“Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

...

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo