Nguyễn Ngọc Ánh

Xử lý hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật

Xin chào các anh chị Luật sư công ty Luật Minh Gia, từ năm lớp 6 em đã sống trong gia đình có bạp lực gia đình, bố em bị nghiện rượu nên khi uống rượu vào là không điều khiển được hành vi đánh đập mẹ em và đập phá đồ đạc hơn nữa còn lăng mạ mẹ và gia đình bên ngoại bằng những lời lẽ thô bỉ.

 

Nội dung yêu cầu: Mẹ em chịu nhẫn nhục đến tận giờ là 10 năm với hy vọng bố me sẽ có thể thay đổi. Nhưng ngược lại, càng ngày bố em càng lăng mạ mẹ em cay nghiệt hơn và đánh mẹ gãy tay phải lên bệnh viện lúc em đi học xa nhà. Gia đình em cũng kêu gọi công an xóm sang giúp đỡ nhưng họ bỏ lơ, rồi nộp đơn xuống ca xã thì họ gọi mẹ xuống vì mẹ em có hộ khẩu còn bố em thì không và bắt nộp phạt chứ ko giải quyết gì. Nhiều lúc mấy mẹ con nghĩ giờ chỉ có mình mới có thể cứu mình chứ chả ai cứu đc. Em mong a/c hãy giúp mấy mẹ con em. Giờ mấy mẹ con em phải làm thế nào mới đưa hành vi bạo lực gia đình của bố em ra ngoài pháp luật để xử lý ạ. Em xin cảm ơn.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

Theo quy định của pháp luật, người nào thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm hoặc cố ý gây thương tích đối với người khác thì tùy mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả do hành vi gây nên mà người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ - CP và BLHS 2015.

 

Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ – CPquy định về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:


"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.


2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:


a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;


b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.


3. Biện pháp khắc phục hậu quả:


Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này".

 

Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:


“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức;

 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

 

i) Có tính chất côn đồ;

 

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

…”.

 

Vậy, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mẹ, các thành viên trong gia đình thì mẹ hoặc bạn có quyền gửi đơn tố giác tới Cơ quan có thẩm quyền nhằm kịp thời thụ lý và có phương án giải quyết triệt để hành vi trên. Trường hợp trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình mà cá nhân có thẩm quyền không giải quyết hoặc giải quyết nhưng không triệt để, đúng quy định của pháp luật thì gia đình có quyền khiếu nại để yêu cầu các cá nhân trên giải trình. Bên cạnh đó, gia đình có thể tố cáo hành vi trên tới các cơ quan khác như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án... Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

 

Trân trọng!

CV. Nguyễn. N. Ánh  - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo