LS Hồng Nhung

Về vấn đề vô ý giúp người phạm tội

Cháu có biết một người và người này từng chơi với một anh vừa bị bắt vì tội lừa đảo chạy việc. Bạn ấy từng được anh kia nhờ gửi hộ hồ sơ, lấy lại giấy tờ và đưa người xin việc đi khám sức khỏe, thực sự bạn cháu không biết là anh kia đang lừa đảo để chiếm đoạt tài sản và vẫn nghĩ là anh kia xin được việc cho người ta, mỗi lần đi bạn cháu chỉ được đưa tiền đi đường gọi là bồi dưỡng thôi ạ.

Anh kia dính vào lừa đảo nhiều tỷ đồng. Bạn cháu có bị coi là phạm tội không ạ, từ đầu bạn ấy cũng không được biết thông tin gì. Cháu xin luật sư trả lời giúp cháu vì bạn cháu đang rất lo. Cháu xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 

d) Tái phạm nguy hiểm;

 

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

…”

 

Bên cạnh đó, Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 quy định về đồng phạm như sau:

 

“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

 

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

 

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

 

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

 

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

 

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

 

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

 

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

 

Nếu bạn của bạn thực hiện những hành vi trên mà thực sự không biết về bất cứ hành vi lừa đảo nào của người bị bắt kia thì bạn của bạn sẽ không bị xét vào tội đồng phạm. Vì tội danh này yêu cầu “hai người trở lên cố ý cùng thực hiệm một tội phạm”.

 

Những vấn đề này bạn cần để cơ quan điều tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu bạn của bạn không thực hiện hành vi cùng chủ đích với người bị bắt thì bạn có thể yên tâm về trường hợp này.

 

Trân trọng!
CV Quách Vũ Ngọc Hà - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo