Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Cách tính thời gian thử thách của án treo

Án treo là một chế định thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Với phương châm “giáo dục - khoan hồng”, án treo không buộc người bị kết án cách ly khỏi xã hội. Họ vẫn được làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát, theo dõi, giáo dục của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Là hình phạt mang tính giáo dục cao, án treo khuyến khích người bị kết án tự nguyện lao động, cải tạo với sự giúp đỡ tích cực của xã hội. Khi áp dụng án treo trong hoạt động xét xử, các Tòa án đôi khi gặp những vướng mắc liên quan đến thời gian thử thách của án treo, đó là việc ấn định mức thời gian thử thách của án treo và xác định thời điểm tính thời gian thử thách của án treo.

1. Việc ấn định mức thời gian thử thách của án treo

Khi quyết định cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo, Toà án đồng thời buộc phải tuyên thời gian thử thách đối với người phạm tội và chế định án treo chỉ có ý nghĩa khi tuyên thời gian thử thách đúng theo luật định. Thời gian thử thách là khoảng thời gian đủ để người bị kết án tự khẳng định về sự tự giác cải tạo của mình. Mặt khác, thời gian thử thách của án treo cũng giúp Toà án có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng án treo đối với người bị kết án trong thời gian chấp hành bản án.

Khoản 1, Điều 60 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 quy định “nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”. Như vậy, việc tuyên thời gian thử thách khi tuyên án treo là bắt buộc, không thể có trường hợp tòa án không ấn định thời gian thử thách. Thời gian thử thách của án treo tối thiểu là một năm và tối đa là năm năm. Mọi trường hợp ấn định thời gian thử thách dưới một năm hoặc trên năm năm đều không đúng với quy định của BLHS.

Nghiên cứu các bản án của Tòa án đã tuyên trong thời gian qua, ta thấy vẫn còn một số bản án của Tòa án cấp huyện và ngay cả bản án của Tòa án cấp tỉnh ở một vài địa phương vi phạm quy định của BLHS về việc ấn định mức thời gian thử thách của án treo, như tại bản án hình sự sơ thẩm số 31/HS-ST ngày 26/02/2002 của Tòa án nhân dân huyện S - tỉnh G xử phạt Lê Minh Thuận 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích, thời gian thử thách là 4 tháng. Hoặc bản án hình sự sơ thẩm số 58/HS-ST ngày 07/06/2001 của Tòa án nhân dân tỉnh G xử phạt Bùi Thị Lượng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cướp tài sản, nhưng lại không tuyên thời gian thử thách. Các bản án này đã thể hiện sự sai lầm hết sức nghiêm trọng, cần phải phát hiện và khắc phục kịp thời.

Trong thời gian thi hành BLHS năm 1985, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng án treo là Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 05/01/1986, Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16/11/1988, Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/04/1989, Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 và TANDTC cũng có Thông tư số 01/NCPL ngày 06/04/1988. Các văn bản này đều thống nhất hướng dẫn về việc ấn định mức thời gian thử thách khi tuyên án treo là “ từ một năm đến năm năm và không thấp hơn mức phạt tù”.

Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS, tại mục 6.4 quy định:

 “Khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, trong mọi trường hợp Tòa án phải ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và phân biệt như sau:

a) Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng 2 lần mức hình phạt tù nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

b) Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng 2 lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành nhưng không được dưới một năm năm và không được quá năm năm”.

So sánh Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 với các văn bản ban hành trước đó hướng dẫn về cách ấn định thời gian thử thách của án treo, chúng ta thấy có một số điểm khác biệt sau:

Thứ nhất, quy định về cách tính thời gian thử thách của án treo đối với trường hợp bị cáo không bị tạm giam theo các văn bản đã ban hành trước đây phải thoả mãn hai điều kiện: một là, ấn định mức thời gian thử thách chỉ trong giới hạn từ một năm đến năm năm; hai là, không thấp hơn mức phạt tù đã tuyên. Ví dụ: Trần Ngọc Bình bị Tòa án huyện N, tỉnh P tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội đánh bạc thì thời gian thử thách mà Toà án được quyền ấn định bất kỳ một mức nào trong giới hạn tối thiểu là 2 năm và tối đa là 5 năm.

Theo Nghị quyết số 01T/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn về cách tính thời gian thử thách của án treo đối với trường hợp bị cáo không bị tạm giam có hai điều kiện: một là, ấn định mức thời gian thử thách gấp hai lần mức phạt tù đã tuyên; hai là, không được dưới một năm và không được quá năm năm. Theo đó, cũng ví dụ trên, Toà án huyện N, tỉnh P chỉ được phép ấn định mức thời gian thử thách đối với Bình là 2 năm tù x 2 lần = 4 năm thử thách, mà không được có bất kỳ một sự lựa chọn nào khác.

Như vậy, cách ấn định thời gian thử thách của án treo theo quy định tại  các văn bản đã ban hành trước đây vẫn là hướng dẫn mang tính tuỳ nghi, Toà án còn có nhiều kết quả lựa chọn khác nhau. Còn việc ấn định thời gian thử thách của án treo theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP luôn mang tính xác định, chính xác và chặt chẽ với kết quả ấn định là một chỉ số duy nhất.

Thứ hai, các văn bản ban hành trước khi có Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hoàn toàn không có hướng dẫn về cách ấn định thời gian thử thách của án treo đối với trường hợp người phạm tội đã bị tạm giam. Do đó, trong thời gian qua, một số trường hợp người phạm tội đã bị tạm giam, khi xét xử họ đảm bảo đủ các điều kiện cho hưởng án treo nhưng Toà án thường né tránh không cho áp dụng án treo vì sự phức tạp, không rõ ràng của nó. Số ít Toà án mạnh dạn áp dụng án treo đối với các trường hợp đó lại rất lúng túng trong việc ấn định thời gian thử thách. Vấn đề này xuất hiện hai quan điểm:

Quan điểm 1, trừ thời gian tạm giam vào phần hình phạt phải chấp hành, sau đó mới ấn định thời gian thử thách (thực tiễn thường áp dụng theo quan điểm này).

Quan điểm 2, tuyên thời gian thử thách trước rồi mới chuyển đổi thời gian tạm giam thành thời gian thử thách rồi khấu trừ vào phần thời gian thử thách đã tuyên.

Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP quy định rất chi tiết, rõ ràng, đầy đủ về cách ấn định thời gian thử thách của án treo đối với trường hợp người phạm tội đã bị tạm giam như đã trích dẫn. Ví dụ: Trần Đình M đã bị tạm giam 6 tháng được Toà án huyện L xử phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Cách ấn định thời gian thử thách như sau: tính mức phạt tù còn lại M phải chấp hành là: 24 tháng tù - 6 tháng tạm giam = 18 tháng tù. Sau đó, Toà án phải ấn định thời gian thử thách với M là 18 tháng tù x 2 lần = 36 tháng thử thách.

Tóm lại, việc ban hành kịp thời Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn về cách ấn định thời gian thử thách của án treo đã tháo gỡ hoàn toàn những vướng mắc mà thực tiễn thường gặp như đã nêu. Một phần, nó đảm bảo quyền lợi của người bị kết án khi đủ các điều kiện cho hưởng án treo dù đã bị tạm giam hay không đều bình đẳng với nhau và đều được hưởng chính sách khoan hồng này. Loại trừ hoàn toàn trường hợp vì đã bị tạm giam, người phạm tội đáng lẽ được hưởng án treo thì lại phải chấp hành hình phạt tù, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Mặt khác, quy định này tạo ra việc áp dụng pháp luật về chế định án treo nói chung, cách ấn định thời gian thử thách của án treo nói riêng mang tính thống nhất, chặt chẽ và chính xác.

2. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo

Mốc thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo không được trực tiếp quy định trong BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 mà chỉ được hướng dẫn trong các văn bản dưới luật và giữa chúng có sự khác nhau, tựu trung ở hai hướng giải thích:

Hướng thứ nhất, thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo. Theo đó, nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho người bị kết án được hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, còn nếu Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Những văn bản pháp luật hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo theo hướng này là: Thông tư số 01/NCPL ngày 06/4/1988 của TANDTC; Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16/11/1998, Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/4/1989, Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 và văn bản được ban hành gần đây nhất là Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007.

Hướng thứ hai, thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án. Nghĩa là thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được tính từ khi bản án của Tòa án cấp sơ thẩm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị (muộn nhất là sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm). Hoặc nếu có kháng cáo, kháng nghị mà Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách sớm nhất khi tuyên án phúc thẩm.

Những văn bản pháp luật hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo theo hướng thứ hai là Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ và Công văn số 81/TANDTC ngày 10/06/2002. Theo đó, tại Khoản 5, Điều 5 của Nghị định số 61 quy định: “người được hưởng án treo là cán bộ công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương... thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án”. Mục 3 của Công văn số 81/TATC lại một lần nữa khẳng định hướng dẫn trên là “người được hưởng án treo là cán bộ công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người làm công ăn lương... thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án chứ không phải kể từ ngày Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách”.

So sánh hai hướng giải thích trên về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo, Theo chúng tôi:

- Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo theo hướng thứ nhất thể hiện được tính hợp lý của nó là phát huy được tác dụng phòng ngừa tội phạm của án treo ngay từ khi tuyên án sơ thẩm. Cách này hạn chế tình trạng người được hưởng án treo phạm tội trong thời gian kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm mà không bị coi là phạm tội trong thời gian thử thách, từ đó loại trừ sự phức tạp trong việc tổng hợp hình phạt nếu người được hưởng án treo phạm tội trong thời gian kháng cáo, kháng nghị. Mặt khác, nó cũng làm cho người bị kết án đỡ bị thiệt thòi vì việc xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm thường chậm. Song hướng dẫn này cũng bộc lộ một bất cập là cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, giáo dục người bị kết án chỉ bắt đầu thực hiện chức năng này khi nhận được quyết định thi hành án sau khi bản án đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị. Vậy trong thời gian kháng cáo, kháng nghị cơ quan nào (Tòa án hay chính quyền địa phương hay cơ quan nơi người bị kết án làm việc) theo dõi, giám sát người bị kết án thi hành bản án?

 - Hướng thứ hai về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo khắc phục được bất cập của hướng thứ nhất như đã phân tích ở trên (tức thời gian kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm không được tính vào thời gian thi hành án). Song hướng dẫn này thể hiện điểm bất cập ở chỗ đã phân hoá người bị kết án được hưởng án treo thành hai nhóm:

Nhóm 1, người được hưởng án treo là cán bộ công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người làm công ăn lương.

Nhóm 2, người được hưởng án treo là các đối tượng còn lại như nông dân, người không có việc làm, người làm công việc nội trợ...

Trong hai nhóm đối tượng trên, chỉ nhóm 1 mới phải chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 61 khi phạm tội được hưởng án treo thì thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án. Nếu đối tượng thuộc nhóm hai thì mặc nhiên được áp dụng cách tính theo hướng thứ nhất tại Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 .

Một bất cập nữa là nếu thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo theo Nghị định 61 sẽ gây bất lợi cho người được hưởng án treo, thể hiện qua ví dụ: ngày 01/01/2003 Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo A 5 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 1 năm. Sau 30 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị. Ngày 02/02/2003, Tòa án ra quyết định thi hành án, cùng ngày giao cho UBND xã H nhận quyết định thi hành án và trích lục bản án.

Ở ví dụ trên, nếu căn cứ vào Nghị quyết 01/HĐTP ngày 18/10/1990 và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 thì thời gian thử thách tính từ ngày 01/01/2003, đến ngày 01/01/2004 A chấp hành xong thời gian thử thách và nếu không phạm tội mới trong thời gian này thì ngày 01/01/2005 A được xoá án tích. Nếu căn cứ vào Nghị định 61, các mốc tố tụng trên phải tính từ ngày 02/02 (lùi về sau ít nhất 1 tháng). Bên cạnh đó, sự khác biệt thể hiện bất lợi rõ hơn cho người được hưởng án treo của Nghị định 61, đó là: nếu trong khoảng thời gian từ 01/01/2004 đến 02/02/2004 mà A phạm tội mới thì theo Nghị quyết 01/HĐTP ngày 18/10/1990 và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, A không bị coi là phạm tội trong thời gian thử thách; do đó, A chỉ phải chịu hình phạt của tội mới thực hiện. Còn theo Nghị định số 61, A bị coi là phạm tội trong thời gian thử thách và phải chịu hình phạt tổng hợp 5 tháng tù của bản án đã cho hưởng án treo với hình phạt của tội mới thực hiện. Đặc biệt, nếu bản án có kháng cáo, kháng nghị, các mốc thời điểm này còn lùi về sau nhiều hơn, càng tạo ra sự cách biệt xa hơn về quyền lợi của người bị kết án được hưởng án treo.

Liên hệ với thực tiễn, hầu hết Tòa án các địa phương đều căn cứ vào hướng dẫn của Nghị quyết 01/HĐTP ngày 18/10/1990 và hiện nay là Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 để tính thời gian thử thách của án treo. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ với hướng lựa chọn văn bản áp dụng của Tòa án về vấn đề này, bởi lẽ:

- Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC và Nghị định của Chính phủ đều là văn bản quy phạm pháp luật, song hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo là loại quy phạm pháp luật về luật nội dung của pháp luật hình sự (hay nói cách khác đây là loại quy phạm pháp luật hình sự) thì phải thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Còn Nghị định của Chính phủ chỉ ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án nên Nghị định số 61 sẽ không được áp dụng trong trường hợp này.

 - Từ ví dụ đã phân tích ở trên cho thấy cách tính thời gian thử thách theo Nghị định số 61 luôn gây ra sự bất lợi ở các mức độ khác nhau cho người bị kết án so với Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán.

- Nghị định số 61 phân hoá người bị kết án được hưởng án treo theo hai nhóm với hai cách tính khác nhau là vi phạm nguyên tắc công bằng, nguyên tắc bình đẳng trong chính sách hình sự và thực tiễn áp dụng.

Từ những vấn đề vướng mắc như đãphân tích, để tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, từ đó đảm bảo quyền lợi của người bị kết án, chúng tôi đề xuất cần phải quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo ngay trong BLHS tại Khoản 1, Điều 60 theo hướng “ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm. Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo”.

Ths. Nguyễn Thị Xuân - Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo