Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Vận chuyển động vật hoang dã có vi phạm pháp luật không?

Để đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái, nhà nước ta đã xây dựng các chính sách, hệ thống quy định pháp luật để bảo vệ những loài động nguy cấp, quý, hiếm. Do đó, việc vận chuyển, mua bán, …. động vật nguy cấp, quý, hiếm phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định.

Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn: Anh/Chị cho em hỏi về việc vận chuyển động vật hoang dã, cụ thể là như thế này:

Em có dự định làm thương lái thu mua rắn Ráo Trâu ở các vùng quê lên Thành Phố tiêu thụ, nhưng em thấy một số bài báo viết về việc vận chuyển trái phép và bị tịch thu tang vật. Vậy vận chuyển như thế nào và có những thủ tục gì mới gọi là hợp lệ ạ? Em xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề mà bạn quan tâm, Luật Minh Gia tư vấn như sau: 

Căn cứ Nghị định 84/2021/NĐ-CP, rắn ráo trâu là loại động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I, nhóm IIB trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo nghị định số 84/2021/NĐ-CP. 

Ngoài ra, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP thì những loài động vật thuộc nhóm II (nhóm IIA, IIB) là loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam. 

Từ đó, có thể xác định, rắn ráo trâu là loài động vật thuộc Phụ lục II CITES

Trong khi đó, Khoản 1 Điều 30 Nghị định 06/2019 quy định về điều kiện mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES như sau: 

“1. Vận chuyển mẫu vật phải đáp ứng những điều kiện sau:

a) Có hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý lâm sản và thủy sản;

b) Có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển mẫu vật ra địa bàn ngoài tỉnh theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ thực vật;

c) Đảm bảo an toàn cho mẫu vật sống và người có liên quan trong quá trình vận chuyển và tại cơ sở tiếp nhận mẫu vật.”

Như vậy, theo những quy định nêu trên, để hợp pháp hóa việc vận chuyển rắn ráo trâu, bạn cần phải đáp ứng cả ba điều kiện nêu trên. Trong đó, ngoài việc phải đảm bảo an toàn cho những con rắn ráo trâu còn sống thì bạn cần phải chuẩn bị những hồ sơ, giấy phép sau: 

1. Hồ sơ vận chuyển rắn ráo trâu

Theo quy định tại Điều 24 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, hồ sơ hợp pháp để vận chuyển rắn ráo trâu gồm: 

- Bản chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập. Đối với rắn ráo trâu là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thì bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại. 

Để xin xác nhận của Kiểm lâm sở tại, bạn cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị xác nhận theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này, gồm: 

  • Bản chính bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 hoặc Mẫu số 04 kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT;

  • Hồ sơ nguồn gốc lâm sản;

  • Hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính (nếu có).”

- Bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản của chủ lâm sản bán

Trong đó, hồ sơ nguồn gốc lâm sản trong trường hợp này được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư này, bao gồm: 

  • Bản chính bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại

  • Bản sao phương án khai thác theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

2. Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 55 Luật Thú y 2015, để được cấp Giấy chứng nhận này, bạn cần phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương. 

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật Thú y 2015, rắn ráo trước khi được vận chuyển ra địa bàn ngoài tỉnh buộc phải kiểm dịch nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: 

“a) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh;

b) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở chăn nuôi chưa được giám sát dịch bệnh động vật;

c) Động vật chưa được phòng bệnh theo quy định tại khoản 4 Điều 15 của Luật này hoặc đã được phòng bệnh bằng vắc-xin nhưng không còn miễn dịch bảo hộ;

d) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch bệnh động vật;

đ) Sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chưa được định kỳ kiểm tra vệ sinh thú y;

e) Động vật, sản phẩm động vật không thuộc trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này khi có yêu cầu của chủ hàng.”

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo