Nguyễn Thị Thùy Dương

Tư vấn về việc tạm giữ tài sản của người cá độ bóng đá

Cho tôi hỏi về luật Hình sự liên quan đến hành vi cá độ bóng đá như sau: Vừa rồi C có chơi cá độ bóng đá với số tiền 2.000.000VND, bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Đây là lần đầu tiên C chơi, trước giờ không có tiền án tiền sự gì và nhân thân tốt nên sau khi giam giữ C đến 12 ngày (nhưng không thông báo cho gia đình C biết)

 

Côi được thả ra, được cho tại ngoại nhưng những tài sản trên người (ví, tiền, điện thoại, xe máy) thì bị thu giữ và cứ hẹn tôi lên xuống hoài, lúc nào đợi thì cũng đợi đến 1 tiếng mấy gần 2 tiếng, đến lúc trao đổi thì chỉ trao đôi được 1, 2 câu rồi xong, cứ hẹn C 1 tuần nữa lên gặp mặt, lần nào cũng vậy. Vậy xin luật sư cho tôi biết, trường hợp của tôi như vậy có trầm trọng không, và những tài sản đã bị thu giữ thì cơ quan chức năng được quyền giữ trong bao lâu ạ ?(trong ví có những giấy tờ cá nhân như CMND, thẻ ATM,.... nếu thu giữ như vậy thì rất khó khăn cho tôi).
 

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Đối với tội đánh bạc được quy đinh tại điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:


Điều 321. Tội đánh bạc

 

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Hơn theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2010/NQ – HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về Tội đánh bạc được quy định như sau:
 

 “…

4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

 

b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.”

5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

 

a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.

 

b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

…”

 

Theo đó cần xác định số tiền bạn bỏ ra cá độ và số tiền thu được khi thắng cược. Bạn chỉ cung cấp thông tin tin mình bỏ ra 2 triệu đồng để đặt cược cá độ bóng đá mà không nói rõ mình có thắng cược không và thời cơ quan công an phát hiện hành vi vào lúc nào nên chúng tôi chưa thể khẳng định trường hợp của bạn có đủ căn cứ cấu thành tội đánh bạc hay không. Nếu số tiền bạn bỏ ra để cược bạc cộng số tiền nhận lại do thắng cược lớn hơn 5 triệu đồng, hoặc số tiền dưới 5 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc còn án tích với tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc thì hành vi của bạn cấu thành tội danh trên; trường hợp bạn không có các dấu hiệu trên thì không đủ căn cứ để giải quyết hình sự, trường hợp này bạn có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

 

Điều 26. Hành vi đánh bạc trái phép

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

 

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

Về việc tạm giữ người và tạm giữ tang vật, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định như sau:

 

Điều 118. Thời hạn tạm giữ

 

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

 

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

 

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

 

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

 

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

 

Theo đó, thời giam tạm giữ tối đã là 09 ngày thay vì 12 ngày như đã áp dụng với anh.


Thời gian tạm giữ tài sản của bạn sẽ do cơ quan điều tra xem xét và quyết định mà không có quy định cụ thể nào về thời gian tạm giữ tang vật trong các giai đoạn tố tụng. Thông thường, nếu đây là những vật được xác định là tang vật, phương tiện phạm tội thì sẽ bị thu nộp ngân sách nhà nước, còn những tài sản không phải là vật chứng hoặc vật chứng không ảnh hưởng đến việc điều tra xét xử hay thi hành án sẽ được trả ngay cho chủ sở hữu. Điều 106 – Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định về xử lý vật chứng như sau:
 

Điều 106. Xử lý vật chứng

 

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

 

2. Vật chứng được xử lý như sau:

 

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

 

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

 

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

 

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

 

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

 

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

 

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

 

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.


Để nhận được thông tin về việc có được nhận lại tài sản và thời gian giải quyết trả lại tài sản, bạn nên thực hiện các bước sau:

- Liên hệ trực tiếp với cơ quan công an để hỏi lý do giữ tài sản.

- Nếu liên hệ trực tiếp không có kết quả, bạn nên làm đơn gửi lên cơ quan công an đề nghị cho biết lý do giữ tài sản của bạn, nếu trả lại tài sản cho bạn thì ảnh hưởng như thế nào tới việc xử lý vụ án.

 

Trong trường hợp cơ quan công an có lý do không trả lại tài sản, hoặc không trả lời đơn của bạn thì bạn có thể tiếp tục gửi đơn hoặc chờ kết thúc giai đoạn điều tra để cơ quan Công an chuyển hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm Sát thực hiện việc truy tố. Khi đó, VKS sẽ là cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lại tài sản cho bạn.

 

Trân trọng!
CV Hà Phương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo