Lê Gia Điền

Tư vấn về việc tạm giam với tội tổ chức đánh bạc

Xin chào anh/chị tôi có một số thắc mắc rất mong được tư vấn. anh trai tôi có tổ chức đánh bạc vào ngày mùng 1 tết âm lịch năm 2016 và bị bắt tạm giam 10 ngày.

 

 sau khi tạm giam 10 ngày thì được thả. nhưng đến ngày 20/6/2016 thì lại bị bắt tạm giam lại để tiếp tục điều tra, lần này công an huyện kí lệnh tạm giam 3 tháng. sau khi kết thúc thời gian tạm giam 3 tháng thì bên phía công an lại kí tiếp lệnh tạm giam thêm 1 tháng nữa. nhưng cả 2 lần gia đình tôi đều không nhận được lệnh tạm giam mà chỉ nghe bên công an nói. như vậy bên phía công an làm có đúng theo trình tự pháp luật không, việc cứ hết thời gian lệnh tạm giam cũ lại kí thêm lệnh mới là có đúng hay không. nếu không đúng thì bên gia đình tôi phải làm thế nào để có thể bảo lãnh người thân được tại ngoại. tôi rất mong tin hồi âm của quý anh/chị tôi xin chân thành cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009:

 

Điều 249. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

 

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

 

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

 

c) Tái phạm nguy hiểm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

 

Khung hình phạt nhẹ nhất của tội này là từ một năm đến năm năm tức tội nhẹ nhất mà anh bạn có thể bị buộc tội thuộc loại tội phạm nghiêm trọng và nặng nhất là tội phạm rất nghiêm trọng.

 

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003:

"Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra

 

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

 

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

 

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

 

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

 

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

 

3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát được quy định như­ sau:

 

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 

b) Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho ng­ười bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.”

 

Như vậy có thể anh trai bạn đã phạm phải tội danh được quy định tại khoản 2 Điều 249 BLHS là tội rất nghiêm trọng và có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng.

 

Theo Điều 83 BLTTHS năm 2003 quy định:

 

“Sau khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt có trách nhiệm giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất.”

 

Theo quy định này thì cơ quan chức năng không có nghĩa vụ phải cho gia đình xem lệnh tạm giam. Tức là cơ quan chức năng làm hoàn toàn đúng trình tự pháp luật. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc tạm giam với tội tổ chức đánh bạc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng,

CV. Thu Phương – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo