Triệu Lan Thảo

Tư vấn về việc gây thương tích cho người dưới 16 tuổi

Hôm trước mẹ em có cãi nhau qua lại với một người. Người đó chưa đủ 16 tuổi (sau này em mới biết). Vi thấy người đó còn bé hơn em mà lại hỗn với mẹ mình nên em đã lên tiếng cảnh cáo đối phương không được hỗn.


Nhưng đối phương không nghe mà còn khiêu khích nên em đã chạy ra đánh lúc ra em cầm theo một cái ổ khóa và thằng em cũng chạy theo ra đánh. Em bị cận 7 độ nên không thấy rõ ràng nên đánh bừa mấy cái. Thấy đối phương nhận sai nem em đã dừng lại. Lúc đánh em cầm ổ khóa trong lòng bàn tay chứ không trực tiếp cầm ổ khóa đánh. Đối phương bị chảy máu ở đầu và khâu một mũi sau đó mấy tiếng đối phương nôn mửa và được chuyển lên bệnh viện. Em cũng bị thương ở tay do cầm ổ khóa trong tay đánh. Em xin hỏi nếu đối phương thưa kiện thì em sẽ bị sủ lý ra sao? Có bị sử lý trách nhiệm hình sự không?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn câu hỏi của bạn dành cho công ty Luật Minh Gia, đối với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, việc bạn không biết người đó chưa đủ 16 tuổi, hay bên kia có lỗi trước, hay bạn nóng quá mất kiềm chế... không có ý nghĩa gì trong việc trốn tránh hay giảm nhẹ trách nhiệm của bạn. Trường hợp của bạn, phải có kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân do bệnh viện xác nhận mới có thể xem xem trách nhiệm của bạn trong trường hợp này như thế nào.

 

Trường hợp 1: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân dưới 11 %

 

Bạn có thể bị xử phạt hành chính vì hành vi đánh người của mình. Mức phạt theo khoản 2 điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

 

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

..."

Trường hợp 2: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 11% trở lên

 

Bạn có thể sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

"Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

...

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

...

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

..."

Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng. Nếu chẳng may rơi vào trường hợp này, bạn hãy tìm cách thuyết phục nạn nhân cũng như người nhà không đệ đơn kiện lên toà án, khi đó bạn sẽ không bị khởi tố hình sự. Điều 105 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 có quy định:

 

"Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

 

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

..."

Thứ hai, nếu bên bị hại có yêu cầu, bạn còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại sức khoẻ cho nạn nhân theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015

 

"Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."

 

Bạn nên chủ động, nhanh chóng trong việc bồi thường này, vì nó vừa thể hiện thiện trí của bạn, vừa là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu chẳng may bị khởi tố hình sự.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Tiến Anh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo