Nguyễn Thị Thùy Dương

Tư vấn về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đơn bãi nại từ người bị hại

Tôi có đứa cháu gây đánh nhau với một người bạn đã bị công an huyện tạm giam chờ ngày xét xử. Nội dung tư vấn như sau:

Khi đánh nhau gia đình của cháu tôi có đến gia đình của người bị hại bồi thường thiệt hại và bên bị hại có làm đơn xin bãi nại cho cháu tôi, vậy cháu tôi có bị xử lí hay không? nếu có thì bị xử lí như thế nào?
2/ Khi gia đình cháu tôi đến bồi thường thiệt hại cho người bị hại để người bị hại làm đơn xin bãi nại cho cháu tôi thì làm thế nào cho đúng pháp luật? để làm chứng cứ trước tòa hợp pháp?

TRẢ LỜI: Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:

Đối với trường hợp này, nếu hành vi của cháu bác đã cấu thành tội phạm của 1 trong các tội được quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 các Điều luật này và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án của cháu bác sẽ phải được đình chỉ và cháu bác sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.


Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

 

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

 

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

 

Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác: 

 

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức;

 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

 

i) Có tính chất côn đồ;

 

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

 

Theo đó, nếu nạn nhân có thương tích dưới 11% và không rơi vào các trường hợp từ điểm a đến điểm k của Khoản 1, Điều 134 đã trích dẫn ở trên thì không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự với cháu của bác. Nếu thương tích trên 11% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp có căn cứ xử lý hình sự như: sử dụng hung khí nguy hiểm, có tình chất côn đồ,… thì có thể thỏa thuận với người bị hại rút yêu cầu khởi đố để vụ án bị đình chỉ. Trường hợp hành vi của cháu bạn bị truy cứu theo Khoản 2 Điều 134 ( thương tích trên 30% hoặc trên 11% nhưng có tình tiết định khung từ điểm a đến điểm k Khoản 1) thì cháu bác sẽ bị xử lý hình sự và việc rút đơn của bị hại chỉ được coi là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.


Có một số lưu ý đối với việc rút yêu cầu khởi tố như sau:

Việc rút yêu cầu khởi tố được coi là hợp pháp khi không có sự ép buộc, trái với ý chí của người bị hại. Nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện có căn cứ để xác định người rút yêu cầu khởi tố bị cưỡng ép thì dù đã rút yêu cầu khởi tố nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người rút yêu cầu khởi tố phải chính là người đã làm đơn yêu cầu khởi tố, nếu người yêu cầu khởi tố và người rút yêu cầu khởi tố là hai người khác nhau thì việc rút yêu cầu khởi tố đó không được coi là hợp pháp.

Việc rút yêu cầu khởi tố phải được thực hiện trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, nếu đến khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra mới có yêu cầu rút yêu cầu khởi tố thì việc rút này không được được chấp nhận và phiên Tòa vẫn sẽ diễn ra. Lúc này, cháu bác sẽ chỉ có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự dựa vào việc đã bồi thường thiệt hại cho người bị hại và người bị hại có đơn xin giảm án cho cháu bác.

 

Trân trọng!
CV Hà Phương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo