Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về trường hợp vi phạm quy định khám chữa bệnh

Luật sư tư vấn đối với trường hợp điều dưỡng viên sơ suất trong việc khám chữa bệnh gây hậu quả, xử lý kỷ luật và quy định liên quan thế nào, nội dung hỏi và trả lời như sau:

Thưa Luật sư! Tôi có một việc muốn tham khảo ý kiến quý báu của Luật sư như sau: Cô em gái của tôi hiện đang làm Điều dưỡng tại khoa Nội nhi bệnh viện sản nhi tỉnh.

Tuần trước bệnh viện có tiếp nhận cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh, em gái tôi có tiền hành đặt kim luồn ở chân cháu bé, đến 3 ngày sau khi đến thay kim để đặt kim luồn khác thì cô ấy phát hiện ra kim luồn bị mất 1 đoạn, cô ấy đã báo cáo vơi Lãnh đạo khoa sự việc trên. Bệnh viện đã cho cháu bé đi kiểm tra ở tuyến trung ương Hà Nội, có mổ chỗ vị trí cháu đặt kim luồn để tìm nhưng không thấy.

Hiện tại Giám đốc bệnh viện bắt buộc em tôi phải ký vào bản cam kết với nội dung bắt em tôi phải chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của cháu bé sau này, em tôi không ký. Người nhà chúng tôi đã sang gặp Phó Giám đốc Sở Y Tế để trình bày sự việc trên họ có nói là đấy là lỗi tác nghiệp chuyên môn ngoài mong muốn, sự việc này cả bệnh viện phải chịu trách nhiệm chứ không thể một cá nhân.

Giám đốc Bệnh viện đang chỉ đạo Khoa không cho em tôi làm công việc điều dưỡng thường ngày mà cô lập ở phòng một mình.

Tôi xin hỏi việc làm như trên của Bệnh viện có đúng không? Trong việc này thì phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng cho em tôi và người bệnh? tôi mong Luật sư giúp tôi giải đáp thắc mắc trên.

 

Trả lời: Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

 

Do bạn không nói rõ em bạn là viên chức hay là người lao động bình thường làm việc tại bệnh viện tỉnh, nên tôi sẽ chia thành hai trường hợp như sau:

 

Trường hợp thứ nhất, nếu là viên chức nhà nước:

 

Theo Điều 54 Luật Viên chức 2010 quy định về tạm đình chỉ công tác như sau:

 

“1. Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ.
 

2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, viên chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ”.

 

Như ta thấy ở trên, chưa thể xác định em của bạn hay bệnh viện có lỗi.

 

Và căn cứ vào các quy định nêu trên khi xem xét về việc giám đốc bệnh viện chỉ đạo khoa không cho em bạn làm công việc điều dưỡng mà cô lập ở phòng một mình là quyết định tạm đình chỉ công tác đối với em bạn.

                                  

Việc đình chỉ công tác không phải là một hình thức kỷ luật, chỉ là một biện pháp tạm thời áp dụng trong một số trường hợp thật cần thiết thuận lợi cho việc phát hiện điều tra, xác minh sự việc.

 

Nhưng trước khi ra quyết định đình chỉ công tác, người đứng đầu đơn vị công lập sự nghiệp cần có sự bàn bạc với Ban chấp hành công đoàn cùng cấp, cân nhắc thận trọng nhưng quyền quyết định và trách nhiệm vẫn thuộc về thủ trưởng đơn vị.

 

Thêm vào đó, việc đưa ra quyết định tạm đình chỉ phải có văn bản cụ thể và nếu em bạn bị tạm đình chỉ công tác thì sẽ được nghỉ chứ không phải đi làm “bị cô lập ở phòng một mình”.

 

Do đó, việc làm trên của bệnh viện là trái pháp luật.

 

Còn về phía em bạn thì pháp luật có quy định: Đương sự có quyền khiếu nại khi bị đình chỉ công tác. Nhận được khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng xác minh và có kết luận đúng đắn để trả lời cho đương sự và kiến nghị với thủ trưởng đơn vị ra quyết định.

 

Vậy nên, nếu thấy quyết định của bệnh viện với em bạn là không đúng thì em bạn có thể làm đơn kiếu nại.

 

Trường hợp thứ hai, nếu là người lao động thì:

 

Theo Điều 129 Bộ luật lao động có quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:

 

“1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
 

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
 

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
 

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
 

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc”

 

Như vậy, với trường hợp thứ hai này thì việc làm của bệnh viện đối với em bạn như trên cũng là trái pháp luật.

 

Và theo Điều132 của Bộ luật lao động có quy định về khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất là: Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

 

Do đó, với trường hợp này, nếu thấy không thỏa đáng thì em bạn có quyền khiếu nại bệnh viện.  

 

Chúc bạn sức khỏe và giải quyết được vấn đề!

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về trường hợp vi phạm quy định khám chữa bệnh. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

 

Trân trọng.

Luật gia: Định Thị Lụa - Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo