Luật sư Dương Châm

Tư vấn về trường hợp tham gia giao thông gây tai nạn chết người

Cho em hỏi vụ tai nạn chết người không thỏa thuận được dân sự đã có quyết định khởi tố bị can và đã được phê chuẩn của viện kiểm sát. Khi tòa xử bên tòa có gọi 2 bên để xin thỏa thuận lần nữa không. Khi thỏa thuận xong người gây tai nạn có bị án nào nữa không ? và cho em hỏi trách nhiệm nuôi con dưới 18 tuổi được đề bù như thế nào mức sống ở thành phố.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề thỏa thuận dân sự.

 

Theo quy định của pháp luật thì thủ tục mở phiên hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc mà Tòa án phải thực hiện khi chuẩn bị xét xử phiên tòa sơ thẩm vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng không bắt buộc phải tiến hành hòa giải giữa các đương sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Trường hợp các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau thì Tòa án công nhận việc thỏa thuận này của các đương sự và sự thỏa thuận này được ghi vào phần quyết định của bản.

 

Thứ hai, về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sựtrong vụ án tai nạn gây chết người

 

Vụ án của bạn cũng không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Do vậy mặcdù các bên đã thỏa thuận được về việc bồi thường dân sự, thậm chí người bị hại rút đơn khởi kiện thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sẽ tiến hành điều tra, truy tố, xét xử bình thường do hành vi này có dấu hiệu tội phạm. Theo như bạn trình bày thì vụ án hiện đã được khởi tố hình sự do vậy người gây tại nạn chết người có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

...”

 

Thứ ba về mức bồi thường trong trường hợp con dưới 18 tuổi

 

Theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

 

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo